Nghệ Thuật

Hơn 130 Lạt-ma Phật giáo từ các khu vực khác nhau của Nga và Mông Cổ đã thực hiện nghi lễ khánh thành hàng giờ ở Tsogchen-dugan, ngôi chùa chính của Aginsky Datsan, tu viện Phật giáo lớn nhất ở khu vực Transbaikalia của Nga. Ngôi chùa đã được xây dựng lại sau khi bị đốt vào năm 2014. 

Theo người đứng đầu của tu viện, Badma Tsybikov, nghi lễ bao gồm 135 Lạt-ma đến từ các vùng khác nhau của Nga, cũng như từ Mông Cổ. Buổi lễ được dẫn dắt bởi người đứng đầu Tăng già Phật giáo Nga Damba Ayusheysv là ngài Lạt-ma Pandito Khambo. 

Tạbikov nói thêm rằng công việc tái thiết chính đã được hoàn thành, nhưng một số công việc vẫn cần phải được thực hiện tại bệ thờ, nơi một bức tượng Phật lớn được lên kế hoạch dựng lên. Các bức tường của ngôi chùa cũng vẽ lại trong năm tới. "Nhưng hoạt động của ngôi chùa đã bắt đầu từ hôm nay", vị Lạt-ma này nhấn mạnh. 

Theo công ty trùng tu Lotos, sau vụ hỏa hoạn, chỉ còn lại nền và bức tường của ngôi chùa. Ông Bair Zhamsuyev, người đại diện cho khu vực Transbaikalia trong Hội đồng Liên bang (Thượng viện), cho biết Bộ Văn hoá Nga đóng vai trò chính trong việc tài trợ công tác tái thiết. 

"Trong 3 năm, Bộ đã phân bổ khoảng 100 triệu rúp (1,6 triệu USD) cho dự án này theo một chương trình mục tiêu của liên bang. Nếu không có điều đó, hôm nay sẽ không có lễ khánh thành này”, ông Zhamsuyev nói. 

Bên cạnh đó, ông Zhamsuyev hoan nghênh các cư dân của Transbaikalia và các khu vực khác của Nga, những người đã hiến 21 triệu rúp (349.000 USD) trong 3 năm. Ngoài các Lạt-ma Phật giáo, hàng trăm tín đồ cũng tham dự lễ cúng dường.

Nghi lễ sẽ tiếp tục vào thứ Bảy (12-8) với một buổi hòa nhạc và các cuộc thi đấu thể thao sẽ diễn ra. 

Ngôi chùa được xây dựng vào thế kỷ 19 bị đốt cháy vào ngày 27-5-2014. Các nhà sư và tín đồ đã di dời kinh sách, bàn thờ và xá-lợi cũng như tượng Phật Thích Ca Mâu Ni khỏi ngôi chùa đang cháy.

Văn Công Hưng (theo Tass)

Sáng nay, 12-8 (nhằm ngày 21-6 nhuận- Đinh Dậu), ngày thứ hai trong khóa cấm túc tu tập 10 ngày tại Việt Nam Quốc Tự (Q.10, TP.HCM), gần 100 vị là chư tôn đức lãnh đạo Giáo hội TP, quận, huyện và các ban trực thuộc đã thảo luận về nghi thức thiền gia.

ANHBT (6).JPG
HT.Thích Trí Quảng chủ trì buổi pháp đàm

Buổi pháp đàm do HT.Thích Trí Quảng, Phó Pháp chủ HĐCM, Trưởng BTS GHPGVN TP.HCM chủ trì; TT.Thích Lệ Trang, Phó Trưởng ban Nghi lễ T.Ư, Trưởng ban Nghi lễ Phật giáo TP trình bày về “Nghi lễ thiền gia”.

Theo TT.Thích Lệ Trang, nghi lễ thể hiện qua cách sống của người xuất gia trên thiền đường. Lễ phần nào đó là cách bày tỏ nội lực của mình, lễ không do mình tự chế ra mà nó có những khuôn mẫu do chư Tổ để lại, trên cơ sở đó các thế hệ sau kế thừa mà thực hành.

ANHBT (4).JPG
TT.Thích Lệ Trang nói về quy cũ thiền gia

ANHBT (3).JPG
Chư tôn đức của khóa cấm túc 10 ngày

Nghi lễ của thiền gia nên chia làm 2 phần: nghi lễ đại chúng và nghi lễ truyền thống. Nghi lễ đại chúng nên Việt hóa, như các lễ: tưởng niệm, Phật đản…; những buổi lễ thuần túy mang tính cầu nguyện mà chư tôn đức Phật giáo cả 3 miền có thể chấp nhận được. Nghi lễ truyền thống do chư Tổ để lại, trên quan điểm có khế cơ, qua cách xướng lễ…, qua hành trì thể hiện sự an lạc, nhất là trong các khóa An cư cấm túc.

Thượng tọa mong, qua pháp đàm này, chư tôn đức sẽ thảo luận, tìm ra phương hướng thống nhất về quy cũ thiền gia, về một mô hình cho chư Tăng TP.HCM có thể ứng dụng. Qua một ngày sinh hoạt tùng lâm, một ngày cấm túc với các thời khóa: công phu, tụng sám, tụng chú Lăng Nghiêm, thiền tọa, v.v... ; cách thức sử dụng năng lượng của âm thanh (giọng thiền, giọng ai) trong các thời tụng niệm, chư tôn đức có thể nhận ra phần nào thêm, phần nào giảm.

ANHBT (2).JPG

ANHBT (7).JPG
Tham gia thảo luận về nghi lễ thiền gia

HT.Thích Trí Quảng chủ trì khóa pháp đàm cho biết, trong khuôn khổ của pháp đàm, lấy trí tuệ tập thể quyết định, khóa tu lần này không tham vọng thống nhất nghi lễ Phật giáo cả nước vì mỗi miền, nghi lễ có đặc trưng riêng. Ở đây, chúng ta cần tìm ra mô hình, thống nhất các nghi lễ của TP.HCM để ứng dụng lâu dài, không để mất gốc, nhưng cũng không quá cố chấp.

ANHBT (10).JPG
HT.Thích Huệ Văn tham gia thảo luận

ANHBT (5).JPG
Hơn 100 vị chúng nội thiền và ngoại thiền tham gia pháp đàm về nghi lễ

Đa phần chư tôn đức Tăng tại khóa cấm túc cho rằng, khóa tu có nhiều lợi ích thiết thực qua các thời tu tập, sinh hoạt về nghi lễ… Chư tôn đức cũng yêu cầu mỗi năm, Giáo hội TP nên tổ chức một khóa cấm túc như thế này nhưng không rơi vào thời điểm mùa an cư để chư tôn đức có thể được tham gia rộng rãi hơn.

ANHBT (1).JPG
HT.Thích Minh Cảnh phát biểu thảo luận

ANHBT (9).JPG
Đóng góp ý  kiến về nghi lễ

ANHBT (8).JPG

ANHBT (11).JPG
Ngày mai, chư tôn đức tiếp tục bàn về quy cũ thiền gia

PV GNO tiếp tục cập nhật thông tin sinh hoạt của chư Tăng trong khóa cấm túc 10 ngày tại Việt Nam Quốc Tự do GHPGVN TP.HCM tổ chức đến bạn đọc quan tâm.

H.Diệu Ảnh Bảo Toàn

http://giacngo.vn/thoisu/tintuc/2017/08/12/7FD2C0/

Thứ tư, 28 Tháng 6 2017 21:28

Hạnh Phúc

Một cách đơn giản để hạnh phúc là trân trọng những gì mình đang có.

Vậy là cậu đã hoàn thành kỳ thi tốt nghiệp cuối khóa. Tuần trước, cậu có xin phép ba và mẹ, khi nào thi tốt nghiệp xong thì về miền tây thăm ông bà ngoại, thế là cậu đã được như ý nguyện. Cậu ngồi trên chiếc ô tô 7 chỗ cùng với anh hai, chị ba và ba mẹ, cậu cảm thấy mình hạnh phúc rất nhiều so với tụi bạn đồng trang lứa.

Người hùng thế kỷ” là tên Facebook của cậu mà bốn năm trước cậu đã lập cho mình. Ban đầu, cậu chỉ kết bạn với tụi bạn học cùng lớp, nhưng sau này, vì nhu cầu trao đổi của tuổi học trò và đặc biệt là thích tìm cảm giác mới lạ mà cậu hay chia sẻ với các bạn trên Face, nên cậu đã không ngần ngại kết bạn với các anh chị lớn hơn mình vài tuổi, thậm chí có người đã ngoài sáu mươi, cậu gọi những bạn ấy là “bạn sành đời”.

Từ khi cậu có 500 người bạn trên Face thì cậu đã quên hẳn đi những người bạn học cùng lớp. Sáng nào cậu cũng có mặt tại lớp sớm nhất, nhưng chẳng ai biết cậu có mặt. Cậu nằm dài ra trên nền gạch cuối lớp, tay cầm chiếc máy thông minh lướt liên tục, đó là thói quen mà cậu cho là “sống phải biết quan tâm đến những người xung quanh mình”. Kỳ thi tốt nghiệp đã đến, cậu cũng chẳng bận tâm, vì bẩm tánh cậu là người thông minh, học bài chỉ mấy phút là thuộc, cậu cứ đinh ninh là mình sẽ thi đậu. Chỉ còn một ngày nữa là ngày thi đầu tiên bắt đầu, lúc này, cậu tìm đến mấy đứa bạn thân để hỏi tài liệu, nhưng không kịp, tài liệu quá nhiều. Cậu trấn an, mở Face, trả lời tin nhắn của mấy người “bạn sành đời”, em sẽ đạt điểm cao trong kỳ thi này.

Ngày đầu tiên, cậu bước vào phòng thi với tâm trạng bất an, trong đầu cậu không có một chữ nào cả, kết quả sẽ như thế nào, mặt tái xanh, mồ hôi trên người cậu tuôn ra như mưa. Phen này “người hùng thế kỷ” sẽ ra sao đây? Cậu thầm thì. Kết quả không khả quan, cậu chỉ viết được nửa mặt giấy, hình như đó chỉ là bài luận ngắn về mùa thi, cậu không làm bài được, cậu thừa biết số điểm của bài thi này. Hôm ấy, cậu ra về với nét mặt buồn bã và luôn cúi đầu trước mọi người, cậu đã sai.

Rồi ngày thi thứ hai cũng đã kết thúc, kết quả khả quan hơn, cậu tin mình sẽ đạt điểm cao, vì cậu đã thức suốt một đêm để học bài.

Kể từ đó, cậu cũng không còn quan tâm mấy đến trang face book của mình nữa, cậu bắt đầu biết quan tâm đến những người xung quanh bằng xương bằng thịt bên cạnh cậu, chứ không phải bằng hình ảnh trên chiếc máy thông minh. Cậu đã có được những ngày hạnh phúc thật sự với mẹ, cha và anh chị của mình. Cậu đã có được bến đỗ bình yên nhất của cuộc đời, mà không phải ai cũng có được.

Góc cảm xúc

Nguuồn từ: http://chuavanduc.vn/goc-cam-xuc/goc-cam-xuc/hanh-phuc.html

Thứ tư, 28 Tháng 6 2017 21:24

Biết đủ là người giàu nhất


Không nghĩ đến vật chất, không nghĩ đến ăn, ăn uống đơn giản, 
có gì ăn nấy, chắc chắn tâm được nhàn hạ, đi thẳng vào thế giới Thiền dễ dàng


Hôm nay có lễ quy y cho Phật tử, nên trước khi giảng về chủ đề chính, tôi nói về ý nghĩa quy y Tam bảo. Sau khi Đức Phật thành đạo ở cội bồ-đề, Ngài tới Lộc Uyển thuyết pháp đầu tiên để độ năm anh em Kiều Trần Như, giúp họ đắc quả vị A-la-hán.

Bấy giờ, Ngài nói từ đây về sau, ai muốn trở thành đệ tử Phật, phải quy y Tam  bảo, vì trước đó, người ta nghĩ quy y Phật là chỉ theo Phật, nhận Ngài là bậc Thầy dẫn đường tâm linh cho mình. Nhưng Phật dạy rằng quy Phật mà chỉ theo Phật là chưa đủ, phải học giáo pháp, thực hành giáo pháp và phải kính trọng Tăng. Nếu chỉ kính trọng Phật, nhưng không nương theo giáo pháp mà Ngài chỉ dạy để thể hiện trong cuộc sống, đôi khi trở thành phá pháp; đó là ý quan trọng mà Phật tử phải ghi nhớ. Và quy y Phật, nhưng không kính trọng Tăng, xem thường Tăng là phạm tội. Vì vậy, quy y Phật, nhưng không quy y Pháp và không quy y Tăng thì Phật không công nhận là đệ tử của Ngài.

Quy y Phật thì Phật là Thầy dạy chúng ta cách tu hành để chúng ta cũng đạt được quả vị Phật. Phật không phải là vị thần có khả năng ban phước giáng họa cho ta, như một số tôn giáo khác chủ trương.

Và Phật dạy pháp tu thì những người xuất gia theo Phật lúc bấy giờ cũng có bạn đồng tu, đồng sự, nên Tăng chính yếu là những bạn đồng tu. Vì ban đầu, chỉ có Tăng đoàn, nên Phật dạy rằng muốn tu, tức gia nhập Tăng đoàn, sống với chư Tăng, tất yếu phải được chúng Tăng đồng ý. Như vậy, quy y Tăng ở bước ban đầu là Tăng quy y Tăng, không phải Phật tử tại gia quy y Tăng.

Riêng đối với tôi, hiểu yếu lý của quy y Tăng là phải chấp nhận những việc mà chư Tăng sai làm. Thí dụ, chư Tăng sai tôi điều hành sinh hoạt của Phật giáo thành phố Hồ Chí Minh, hay xây chùa Phổ Quang, chùa Việt Nam Quốc Tự… thì tôi làm, là quy y Tăng.

Và về sau, đệ tử Phật có Phật tử tại gia, đương nhiên Phật tử tôn trọng người xuất gia, vì người xuất gia thực tập pháp Phật nhiều hơn Phật tử. Thật vậy, Phật tử có thể hiểu sai lệch giáo pháp Phật dạy, trong khi người xuất gia thực tập miên mật pháp Phật nhiều hơn và họ chứng được từ Sơ quả đến A-la-hán. Như vậy, người xuất gia đã thực tập giáo pháp có kết quả tốt đẹp thể hiện trí giác và đạo hạnh của hàng đệ tử Phật đã hy sinh cả cuộc đời cho  lý tưởng giác ngộ giải thoát là yếu chỉ mà Phật đề ra. Vì vậy, Phật tử tu sau và bị gia duyên ràng buộc, không thể hiện được tinh ba Phật pháp, nên họ cần phải nương theo chư Tăng để tu học đúng đắn, đó là ý nghĩa của quy y Tăng đối với Phật tử tại gia.

Hôm nay, Phật tử quy y với tôi, không phải chỉ biết có tôi, học với tôi, kính trọng tôi. Quý vị nên nhớ thêm rằng mình đã quy y Phật, Pháp, Tăng, nên đối với bất cứ chư Tăng nào ở đâu, cũng phải kính trọng. Thứ nhất là kính trọng hình thức Tăng. Thí dụ các vị xuất gia ngồi trước tôi là hình thức Tăng mà chúng ta phải kính trọng.

Tuy nhiên, kính trọng hình thức Tăng, chúng ta cũng gặp tu sĩ giả, Tăng giả. Chúng ta còn nhớ Phật kể về tiền thân của Ngài trong một kiếp quá khứ, Ngài là Kim mao sư tử nghe một vị La-hán thuyết pháp, nên sư tử đã phát tâm cung kính chư Tăng. Tên thợ săn đã lợi dụng niềm tin của Kim mao sư tử đối với Tăng sĩ bằng cách mặc áo Sa-môn để có thể đến gần giết nó. Khi thấy hình bóng của chư Tăng, nó đã mọp xuống tỏ lòng cung kính, tên thợ săn thừa dịp này bắn cung tên tẩm thuốc độc giết chết sư tử.

Hình thức Tăng bên ngoài giống nhau, nhưng bên trong có Hiền Tăng, Thánh Tăng, nghiệp tăng, phàm tăng. Hiền Tăng là người tu thật, không màng phú quý lợi danh, xuất gia để đi trên con đường giải thoát của Phật. Và nghe Phật dạy rằng người biết đủ là người giàu nhất, nên người ta từ bỏ cuộc sống thế tục, xuất gia, tìm nghĩa lý tại sao biết đủ lại là người giàu nhất. Và họ tu có kết quả, đạt được quả vị  La-hán thể hiện mẫu người phát túc siêu phương, tức là người vượt qua cuộc sống đời thường, không còn kẹt vật chất. Đó là hàng tam Hiền gồm Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm, A-na-hàm và A-la-hán là Thánh.

Những vị tam Hiền và Thánh quả khác chúng ta ở cuộc sống tri túc, không mong cầu, vì còn mong cầu là còn tham. Theo Phật, biết rằng mong cầu chẳng những không được, mà còn gánh lấy khổ đau nhiều hơn. Thật vậy, Phật dạy trong kinh Bát đại nhân giác rằng:”Tham dục nhiều, lụy khổ thêm nhiều. Dạt dào sinh tử bao nhiêu, cũng vì tham dục mọi điều gây nên”. Và dục vọng của con người không bao giờ thỏa mãn.

Có thể khẳng định rằng người không biết đủ thì luôn luôn họ thấy thiếu. Nhưng biết đủ là Sa-môn theo Phật, từ bỏ nhà cửa, gia đình…, họ hơn người khác ở tâm an lạc. Thật vậy, có trải nghiệm mới nhận ra cái lý là từ bỏ tất cả sẽ có tâm an lạc. Thực tế cho thấy khi chúng ta có bất cứ sở hữu vật chất nào, chúng ta cũng kẹt vô đó, vì phải lo toan nhiều. Thí dụ đơn giản, khi Nhà nước giao chùa Phổ Quang cho tôi và chư Tăng giao tôi xây dựng chùa này.

Lúc chưa giao việc này, tôi thấy nhàn hạ, nhưng lãnh việc rồi, bắt đầu có nhiều khó khăn phải giải quyết, hết việc này đến việc khác xảy ra. Trong đầu toàn là tiền bạc, xi-măng, sắt thép, thợ thuyền…

Vì vậy, có chùa Phổ Quang và bắt đầu khởi công xây dựng, tôi mới tìm cái an trong bất an để sống. Người tu không nhận ra lý này và không thực hiện được lý này thì phải khổ sở vô cùng cho đến bị đọa. Nhưng thành thật mà nói nhờ nhận chùa này, xây dựng chùa này mà tôi phát hiện ra phương pháp tu hành là thân tâm được an trong cảnh bất an.

Ngoài ra, từ đầu tôi không có gì, cuộc sống hoàn toàn thực sự nhàn hạ, muốn thiền mấy tiếng, mấy ngày cũng được, không ăn thì nhịn cũng không sao. Nhưng khi Đại hội Phật giáo thống nhất năm 1981, cử tôi làm Trưởng ban Hoằng pháp Trung ương, phải đi hoằng pháp cả nước. Bấy giờ, tự nhiên tôi phải nghĩ hoằng pháp thế nào, hoằng pháp ở đâu. Đó là việc mà Tăng sai, nhưng mình không làm là chống lại chư Tăng, như vậy không thực hiện lời Phật dạy về quy y Tăng thì không phải đệ tử Phật.

Sau Đại hội Phật giáo thống nhất, tôi đã đắp y đảnh lễ Đức Pháp chủ Đức Nhuận, tôi thưa rằng Hòa thượng đã sống 25 năm ở xã hội chủ nghĩa, ngài biết rõ phải làm sao. Vì con ở miền Nam, chưa biết, xin Hòa thượng thương xót chỉ dạy.

Hòa thượng trả lời rằng người ta cho làm gì thì làm đó, cho nói gì thì nói đó, tức nói và làm đối với xã hội. Còn tu hành là trong lòng mình tu như thế nào để chứng được từ Sơ quả đến A-la-hán, cho đến thành Phật. Vì vậy, việc tu là việc riêng của mình, còn làm và nói phải theo luật pháp mới được an. Thật vậy, thiết nghĩ việc tu hành, không ai cấm được, vì Thức của mình còn không bị kiểm soát, huống chi là tâm của người tu.

Phật dạy rằng vì chúng ta mang thân tứ đại, người thấy ta được, họ mới nghĩ đến quản lý ta, sai chúng ta làm. Nếu ta không có thân này thì ai quản lý ta được, ai bắt nạt ta được, ai làm gì ta được. Vì vậy, còn mang thân người, phải nhớ đừng làm khác, nói khác những gì luật pháp cho phép, nếu không sẽ bị ở tù.

Suốt 25 năm tôi hành đạo yên ổn nhờ luôn ghi nhớ lời Đức Pháp chủ dạy. Còn suy nghĩ bên trong của tôi là gạn lọc tâm để đắc đạo; nói cách khác, trong tâm và Thức của tôi hoàn toàn tự do. Từ đó tôi phát hiện được việc cắt bỏ vật chất, tâm hồn mình sẽ trở nên thênh thang. Trong khi trước kia, còn kẹt vật chất thì chỉ một việc đơn giản như từ chùa Phổ Quang về chùa Huê Nghiêm cũng phải lệ thuộc nhiều mặt và đối với cuộc sống ở thế giới này còn vô số lệ thuộc khác nữa. Nhưng tu hành, Thức của chúng ta hoàn toàn tự do, tự tại.

Tôi thường nói quý vị mang thân vật chất này đi hành hương Ấn Độ quả là khổ sở. Còn trường hợp Sư cụ Hư Vân từ Phổ Đà sơn lên núi Ngũ Đài sơn, cứ ba bước ngài lạy thì không thể diễn tả nổi cái khổ đến mức nào. Thiết nghĩ lê xác phàm đi cực khổ vô cùng. Vì vậy, tu hành, chúng ta tập thoát ly thân này và càng thoát ly được nhiều thì chúng ta càng nhẹ nhàng.

Để thoát ly thân, Phật dạy chúng ta hạn chế ba việc là ăn, mặc, ở. Người lệ thuộc ăn, mặc, ở, dù họ có của cải vật chất nhiều đến đâu, họ vẫn nghèo, vẫn khổ. Không lệ thuộc ăn, mặc, ở, chúng ta hoàn toàn giải thoát khỏi thân tứ đại, cuộc sống trở nên thanh thản.

Thể hiện ý này, Phật dạy hạnh đầu-đà mà Ngài đã trải qua, không ngủ ở một gốc cây hai lần, không ăn cơm một nhà hai lần. Thân cứ đi mãi trên con đường tìm đến chân lý, như vậy mới đi xa vào thế giới vô hình.

Tu hành, đầu tiên, thân đâu tâm đó, là thân và tâm cùng đi. Nhưng có người thân đi mà tâm không đi, thân họ tới giảng đường này, nhưng đầu của họ ở chỗ khác, nghĩ cái khác. Thân họ đi chùa, nhưng tâm không đi chùa, thân họ lễ Phật, nhưng tâm không lễ Phật; vì người lạy Phật, họ cũng lạy theo. Thân đi, tâm không đi là đi theo quán tính.

Trái lại, có người tâm đi thân không đi, thí dụ họ ở nhà, không đến chùa được, nhưng họ vẫn muốn tới chùa lễ Phật, nghe pháp, nên tâm họ đã đến chùa lạy Phật và tham dự pháp hội.

Tôi bắt đầu tập pháp này, ở thành phố Hồ Chí Minh, nhưng tâm tôi đi tới Bồ Đề Đạo Tràng, vì tôi đã hình dung ra tháp Đại giác và cây  bồ-đề, tức hình dung ra đấng Đại giác và những lời dạy của Ngài.

Đức Phật Thích Ca nói không phải Ngài là người đầu tiên giác ngộ, thành đạo ở Bồ Đề Đạo Tràng, trước Ngài đã có Đức Phật Ca Diếp thành đạo nơi đây. Vì lúc thân tâm Phật đến Bồ Đề Đạo Tràng, Ngài thấy chỗ này rất quen thuộc, nên Ngài ngồi lại ở cây bồ-đề và vận dụng tâm đi xa thêm, mới thấy Phật Ca Diếp đã hiện hữu và thành đạo nơi này và tiến xa hơn nữa, Ngài thấy có Phật Câu Na Hàm Mâu Ni, Phật Câu Lưu Tôn cũng ngồi ở cội bồ-đề thành đạo. Nghĩa là Phật Thích Ca đã dùng tâm đi ngược thời gian về quá khứ, thấy rõ sự việc quá khứ.

Thân đi xa rất khó, nhưng dùng tâm ta đi thế giới khác một cách nhẹ nhàng. Thật vậy, trong kinh Di Đà, Phật nói mỗi sáng người ở thế giới Cực lạc lượm hoa trời đi khắp mười phương cúng dường, trở về còn kịp giờ ăn trưa.

Mới tu, tôi nghĩ về Tịnh độ sống, vì thân và tâm được thanh tịnh,  an lạc; nhưng về sau, tôi nhận ra cái lý này, nên thấy khác. Người ở Tịnh độ từ Liên Hoa hóa sanh, họ cũng có thân, nhưng thân tinh khiết như hoa sen và tâm trong sáng như ngọc Ma ni, không phải là thân tứ đại đầy đủ nghiệp ác, hôi dơ, bệnh hoạn… và tâm phiền não, mê muội như thân tâm của người ở Ta-bà.

Chúng ta tu Pháp hoa, phát nguyện đời đời kiếp kiếp làm hành giả Pháp hoa, tức là làm sao mình có thân tinh khiết như hoa sen ở trong bùn, nhưng không nhiễm bùn và tỏa hương thơm cho đời và có tâm sáng suốt hoàn toàn. Đó cũng chính là cốt lõi mà Phật muốn dạy chúng ta tu hành phải kết thành thân tâm hoàn hảo như vậy. Các sư Tây Tạng thường tụng Om Ma Ni Pad Me Hum, nghĩa là viên ngọc Ma Ni nằm trong hoa sen.

Có thể nói nếu buông bỏ được tất cả sự lệ thuộc và có thân tinh khiết như hoa sen, có tâm sáng như ngọc Ma ni, chắc chắn chúng ta giàu nhất. Thật vậy, vì người có thân tâm như vậy mới có khả năng đi khắp mười phương để tạo thắng duyên cho người phát tâm sống theo Phật dạy.

Nói đến ý này gợi cho chúng ta suy nghĩ về việc cúng dường làm cho người phát tâm, hay làm người thoái tâm. Phật dạy rằng cúng dường mà khiến cho người phát tâm thì họ càng cúng dường càng giàu có, được khỏe mạnh và được an vui. Còn ai kêu gọi cũng cúng, ở đâu cũng đi và dẫn đến kết quả là hết tiền thì ai cũng tránh, khiến họ buồn phiền rồi nói bậy là đọa, vì đã làm người khác thoái tâm. Nói cách khác, đó là đem đồ ô uế bỏ vô biển Phật pháp. Người cúng như vậy, Phật, Thánh Tăng không thọ dụng.

Ngài Ưu Ba Cúc Đa là vị Tổ thứ ba sau Tổ A Nan, Ngài thường từ chối đi chứng trai. Cúng dường Phật, cúng dường Thánh Tăng không dễ, khó vô cùng. Cúng phàm Tăng, nghiệp Tăng thì dễ vì họ còn nghiệp, tức còn tâm tham muốn. Lên bậc Hiền Tăng đã không cần vật chất, họ chỉ cần ta có tâm cầu đạo.

Phật dùng lòng thành, không cần vật chất; nhưng thực tế chúng ta thấy những người tạo nhiều tội lỗi, nên đem của tội lỗi này cúng Phật để mong Phật rửa sạch tội cho họ. Phật, Thánh Tăng thấy của ô uế cúng dường thì tránh, vì mới lên Hiền vị đã không cần vật chất, huống chi là Phật, là Thánh đương nhiên không cần.

Người thật tu chỉ cần tâm tu của ta. Khi chúng ta có tâm thanh tịnh cầu đạo, Hiền Tăng, Thánh Tăng mới chứng. Tổ đình Huê Nghiêm ngày xưa có câu liễn ghi rằng Phật dụng hiền lương, mạc dụng tiền tài, tức Phật dùng tâm của người hiền lành, lương thiện, không dùng tiền tài.

Đem tiền cúng dường rồi nghĩ mình là nhất, xem thường người khác, như vậy đọa. Điều chính yếu theo Phật là làm cho người phát tâm. Thí dụ tôi đi tu làm người phát tâm, tôi có công đức. Vì tôi tu từ 12 tuổi cho đến nay 80 tuổi, ăn uống kham khổ, nhưng tu học được, nên người ta nói nhờ ăn chay được thông minh, khỏe mạnh, họ muốn tu theo tôi. Các cháu nói tu như ông là học giỏi, khỏe mạnh thì con muốn tu, nghĩa là làm người phát tâm.

Các vị ở Cực lạc có thân tinh khiết như hoa sen và tâm sáng như ngọc Ma ni và dùng thân tâm hoàn hảo đó đến với người khiến họ phát tâm theo Phật. Lý này cũng được Phật giáo Nguyên thủy chỉ dạy. Thật vậy, Phật dạy người tu đi khất thực không vì ăn, nhưng mang thân giải thoát và tâm trong sáng vào làng độ sanh khiến cho người trông thấy phát tâm. Như vậy, kinh Nguyên thủy và kinh Đại thừa luôn có sự tương đồng.

Đến khi năm anh em Kiều Trần Như tu theo Phật đều đắc quả A-la-hán, 50 thanh niên Da Xá thấy năm thầy Tỳ-kheo này tỏa sáng thân giải thoát và tâm trong sáng, họ liền buông bỏ sự nghiệp, để được xuất gia tu, thể hiện cái lý là tu làm cho người phát tâm sống theo Phật. Làm người thoái tâm là phá pháp, thí dụ mình tu, rồi kết cuộc là nghèo thiếu, bệnh hoạn, khổ sở khiến họ sợ, không dám tu. Xưa kia, ông Cấp Cô Độc theo Phật, ông càng cúng dường, bố thí thì càng giàu, họ mới theo ông cúng dường, bố thí. Phật nói bố thí, cúng dường được thành quả tốt đẹp như ông Cấp Cô Độc thì nên làm, vì ông đã làm cho người phát tâm.

Trở lại đề tài biết đủ là người giàu nhất. Thật vậy, thực tế chúng ta thấy những người giàu có, nhưng không biết đủ, họ vẫn cảm thấy thiếu. Điển hình như những ông vua đi chinh phục nhiều nước, mà có biết đủ đâu; họ vẫn thấy thiếu, nên mới tiếp tục thôn tính, giết hại nữa để vơ vét của cải về họ. Cho đến khi nào họ thất bại, khổ đau và chết, đọa địa ngục, may ra mới tỉnh.

Tu theo Phật, chỉ cắt bỏ lòng tham là thấy đủ, không thiếu gì cả và cắt bỏ hoàn toàn tất cả mọi tham vọng thì càng trở nên giàu thêm nữa. Kinh nghiệm của riêng tôi, khi đi học, tôi nghèo nhất, nhưng thực sự tôi giàu nhất trong đám sinh viên, vì tôi còn dư tiền giúp đỡ người hoạn nạn và tôi còn dạy kèm miễn phí cho nhiều học sinh thi đỗ vào đại học.

Tôi nghèo nhất, nhưng giàu, vì không có nhu cầu vật chất. Tôi có tiền ít, mà vẫn dư. Còn các sinh viên khác cần quá nhiều nhu cầu vật chất, nên dù họ có tiền nhiều, nhưng vẫn không đủ xài. Những người bạn nói câu dễ thương là ông tu không biết xài tiền, nên cho họ mượn. Họ là con nhà giàu, vật chất có nhiều hơn tôi, mà tháng nào họ cũng thiếu tiền. Trong khi tôi dư tiền. Một tháng được chuyển 150 USD, nhưng vì tôi nghèo, không có tiền chuyển, nên giao cho cha mẹ sinh viên ở Việt Nam chuyển tiền qua tôi, họ lấy 80, tôi chỉ còn 70; như vậy mà tôi còn dư tiền; còn họ mỗi tháng đã có 150 cộng thêm 80 của tôi mà vẫn không đủ xài.

Phật dạy chúng ta hạn chế ham muốn xuống sẽ có dư. Thực tế là sống dưới mức mình có, bao giờ cũng đủ. Sống trên mức mình có thì nguy hiểm, vì nợ nần chồng chất, đau yếu không có tiền chữa bệnh, tâm trí lo âu, buồn khổ…

Có thể khẳng định Phật là người giàu nhất trong thiên hạ, trong khi Ngài chỉ có một y, một bát. Chúng ta là Phật tử, sao không đi theo con đường giàu có của Phật và tu chứng được quả vị nào, như chứng Sơ quả thì đã hơn người là thân không bệnh hoạn, tâm không đòi hỏi vật chất, ăn gì cũng được, ở đâu cũng được. Tiền nhiều, nhưng đi bệnh viện hoài thì có hạnh phúc hay không.

Hạnh phúc của ta là thân không bệnh hoạn, tâm không buồn phiền, không tức giận, không lo sợ, vì ta tu theo Phật đã giải trừ được nghiệp chướng, trần lao, phiền não. Giải phiền não trước là diệt trừ tham, sân, si. Không tham muốn thì bước đầu chúng ta đã thấy đủ, lần lần chúng ta mới có dư và chúng ta biết đủ, không ham muốn, không buồn phiền sẽ tác động cho thân không bệnh hoạn.

Tâm an vui, thân khỏe mạnh là quan trọng nhất và tới đây, nhu cầu vật chất còn rất ít. Đức Phật đã thể hiện lý này cho chúng ta thấy trong cuộc sống giáo hóa độ sanh của Ngài, Phật đi khất thực bữa có thức ăn, bữa không có gì thì Ngài nhịn và sống trong Thiền định.

Theo kinh nghiệm tu của tôi, không có thức ăn, thấy đói là vì nghiệp mình nghĩ đến thức ăn, nên đói. Hòa thượng Thanh Kiểm dạy rằng đừng nghĩ đến thức ăn sẽ không đói và ngồi thiền, nhập định, không thấy đói, nên họ nhịn ăn từ một ngày đến bảy ngày là việc bình thường.

Không nghĩ đến vật chất, không nghĩ đến ăn, ăn uống đơn giản, có gì ăn nấy, chắc chắn tâm được nhàn hạ, đi thẳng vào thế giới Thiền dễ dàng. Trước kia, các thiền sư chỉ tôi là con gấu tuyết ở Bắc Cực sáu tháng ngủ, không ăn, không chết. Muốn không ăn, hãy thử ngủ như gấu tuyết.

Một thiền sư khác dạy rằng tu như con rùa là tập thở nhẹ để không tiêu hao năng lượng nhiều sẽ không cảm giác đói và không ăn thì không thải ra cặn bã. Nhốt con rùa không cho ăn, cả năm nó cũng không chết.

Tôi thấy vị Thiền sư nào không ăn nhiều sẽ không tỏa mùi hôi. Ăn nhiều có mùi hôi nhiều tiêu biểu cho nghiệp.

Tóm lại, tu theo Phật, được quả vị nào là cuộc sống tự tại đến đó, thấp nhất là Sơ quả đã có thân khỏe mạnh, không bệnh hoạn, tâm trong sáng, hiểu biết chính xác thì mới hơn người, sướng hơn người có nhiều của cải mất công lo giữ. Chỉ đơn giản không lệ thuộc ăn, mặc, ở, không cần giàu sang, là đã được an lạc vô cùng.

Cầu mong đệ tử Phật thể hiện mẫu người biết đủ, không bị trói buộc vì của cải vật chất và đời sống tâm linh luôn dồi dào để làm cho người phát tâm sống theo Phật.

HT.Thích Trí Quảng

Nguồn từ http://giacngo.vn/phathoc/triethoc/2017/06/27/7FC4CB/

Ở Thái Lan, có hơn 35 triệu người lái xe trên đường. Là một vùng đất của Phật giáo, 76% người Thái Lan đặt tượng Phật trên bảng điều khiển xe của họ, bởi vì họ tin rằng qua đó, Đức Phật có thể gia trì họ khỏi tai nạn đường bộ.

Theo thống kê, Thái Lan đứng thứ hai trên thế giới về số người thiệt mạng. Chủ yếu là do tai nạn gây ra bởi tốc độ lái xe. Quỹ Khuyến khích Y tế Thái Lan muốn giúp mọi người lái xe an toàn hơn và giảm nguy cơ tai nạn.

Qua đó, giới thiệu "tượng Phật hạn chế tốc độ" (phân phối dưới tên tiếng Thái là Phra Rod 2.0), tượng Phật đầu tiên trên thế giới có thể cảnh báo bạn phải tỉnh táo và thận trọng trong khi lái xe.

Sử dụng máy dò theo dõi GPS và máy dò tốc độ, tượng Phật có thể phát hiện các giới hạn tốc độ khác nhau được pháp luật cho phép trên mỗi con đường mà chiếc xe đang chạy.

Nếu người lái xe vượt quá giới hạn về tốc độ pháp luật, bức tượng sẽ tự động phát tiếng nói của Phre Payom (nhà sư nổi tiếng Thái Lan) được ghi âm trước bằng 9 thổ ngữ khác nhau, tất cả đều cảnh báo họ nên chú ý, đi chậm và lái xe an toàn hơn.

Văn Công Hưng (theo Little Black Book)


GNO - Một bản kinh thư thuộc Vương quốc Goryeo đã được tìm thấy hôm 24-5 qua, bên trong bức tượng Phật ở chùa Silsangsa ở Namwon, tỉnh Bắc Jeolla.

Viện Nghiên cứu Di sản Văn hoá Phật giáo cho biết đã phát hiện ra "Daebanyabaramildagyeong", một bản thánh thư có thể gập lại được viết bằng chữ bạc, bên trong bức tượng Phật ngồi ở chùa.

Chỉ có 4 bản kinh như vầy được tìm thấy ở Hàn Quốc. Trong số đó, một được tìm thấy bên trong tượng Phật Đại Nhật Như Lai của chùa Girim ở Gyeongju, được coi là báu vật quốc gia số 959.

Viện nghiên cứu cho biết họ đã tìm thấy bản văn trong khi đưa bức tượng Phật qua một máy quét tia X (computer tomography) ba chiều. Kinh được viết bằng mực bạc trên giấy làm bằng cây dâu tằm.

Bản kinh, một bản sao của quyển 396 thuộc bộ kinh 600 quyển Ma-ha Bát-nhã Ba-la-mật-đa tâm kinh, ghi lại rằng bản kinh đã được tặng bởi một người tên là Yi Jang-gye và vợ.

Viện đã nghiên cứu những quyển sách cổ xưa để tìm hiểu về người tên Yi, nhưng đã vô ích. Lim Seok-kyu, một nhà nghiên cứu thuộc viện, cho biết: "Bản kinh được thực hiện để tôn vinh tổ tiên của họ và tránh khỏi những điều không may mắn".

Tượng Phật được tạo tác vào đầu thời kỳ Joseon, hoặc vào thế kỷ 14. Có khoảng 20 bức tượng Phật được làm theo cách tương tự trong suốt thời kỳ Goryeo và Joseon. Hình dạng bên ngoài của bức tượng thay đổi do có nhiều sửa chữa. Viện đã phát hiện ra hình dạng ban đầu dưới bề mặt mạ vàng thông qua chụp CT.

Văn Công Hưng
(theo The Dong-A Ilbo)

 Trong kinh kể lại, một hôm Phật hỏi các thầy Tỳ-kheo:

- Này các Tỳ-kheo, nếu trong thất của các ông có ba con rắn độc chui vô thì các ông có ngủ ngon không?

Các thầy thưa:

- Bạch Thế Tôn, chúng con ngủ không ngon.

Phật hỏi:

- Làm sao các ông ngủ mới ngon?

Các thầy thưa:

- Bạch Thế Tôn, chừng nào chúng con đuổi hết ba con rắn độc ra khỏi thất thì ngủ mới ngon.

Phật kết thúc:

- Ba con rắn độc tuy độc nhưng không độc bằng ba thứ tham, sân, si. Tại sao? Vì rắn độc cắn chỉ chết thân đời này thôi, còn tham sân si hại không những đời này mà còn qua đến nhiều đời khác nữa.

Đây là điều hết sức cụ thể. Người tu phải dẹp bỏ ba con rắn độc tham, sân, si mới có thể tu được. Làm sao để dẹp chúng? Nóng giận là rắn hổ lửa. Nếu nó ở trong nhà mình, chúng ta phải lấy roi nhẫn nhục để đuổi. Nhẫn là an nhẫn, nhịn nhục, dần dần nóng giận sẽ lắng dịu. Như ai nói câu gì trái ý làm mình nổi giận, miệng la tay múa. Tất cả những hành động khiến người ta khổ gốc từ nóng giận mà ra. Muốn nhịn, có người nói uống nước cho mát, nhưng nước qua khỏi cổ thì nóng lại nữa.

Bây giờ tôi đề nghị với quý vị một lối nhẫn thực tế hơn. Khi vừa nổi nóng chưa kịp mở miệng, chúng ta liền đọc câu thần chú này: “Nói là ngu, nín là khôn”. Cứ đọc tới đọc lui một hồi thì cơn giận hết. Vì sao? Vì khi nổi nóng mình sẽ nói bậy. Nói bậy tức là ngu. Vì vậy ta tự nhắc nói là ngu, còn im lặng là khôn. Cứ tự nhắc mình như vậy hoài sẽ không nói trong lúc đang nóng. Nhờ thế ta tránh gây khẩu nghiệp, tránh luôn cả thân nghiệp không tốt. Tự nhắc như thế chúng ta yên được một lúc. Nhưng sau đó nhớ lại cũng nổi nóng nữa, nên phải bước qua chặng thứ hai là quán từ bi.

Từ bi là sao? Từ bi là thương mến tất cả mọi người như thân nhân của mình. Nhưng họ chửi thì làm sao ta thương được? Chúng ta phải dùng trí suy xét kỹ, kẻ nói những điều thô lỗ vô lý là người tỉnh hay mê? Đó là người mê. Nếu người mê thì ta phải tỉnh mới khôn ngoan. Người tỉnh thì phải thương kẻ mê, chứ đâu thể giận họ được. Như vậy chặng thứ nhất là nhẫn để ngăn chặn sự nóng giận bộc phát, đến chặng thứ hai mới bứng tận gốc sân hận.

Đến tham làm sao trị? Tham dụ như rắn hổ mang. Loại rắn này thường chạy tứ tung, không chịu ở yên một chỗ. Tham có năm thứ: tham tài, tham sắc, tham danh, tham ăn, tham ngủ. Chúng ta trị tham như thế nào?

Tham tiền thì lấy thuốc vô thường trị. Tiền của tuy có nhưng sẽ mất bất cứ lúc nào. Phật dạy tiền của thường bị năm nhà lấy: một là bị nước lụt cuốn trôi, hai là bị lửa cháy tiêu, ba là bị trộm cướp, bốn là bị con bất hiếu phá, năm là bị quan quyền không lương thiện chiếm đoạt. Tiền của chúng ta tích lũy, gìn giữ được một thì muốn thêm hai, được hai muốn thêm ba bốn… cứ muốn tích lũy thêm hoài gọi là tham. Nếu chúng ta nhớ lại của cải nhiều, nhưng gặp tai nạn lửa cháy, nước lụt, con bất hiếu phá, hoặc bị trộm cướp rình rập cướp lấy… thì sẽ tiêu tan hết. Nên đó là của cải không bảo đảm.

Muốn được bảo đảm hơn chúng ta phải tu pháp bố thí. Giả sử một ngàn đồng đủ cho chúng ta sống trong một tháng, nếu mình có ngàn mốt ngàn hai thì tính để dành, đó cũng là hơi tham một chút. Bây giờ có dư ta giúp đỡ những người thiếu kém hơn mình, đó là bố thí. Vì vậy nói bố thí độ xan tham. Tất cả của cải thế gian đều có thể bị người ăn cắp, chỉ nghiệp lành của mình là không ai lấy. Cho nên đối với tham tài chúng ta dùng hai thứ thuốc để trị: một là quán vô thường, hai là bố thí.

Đến bệnh tham sắc. Đây cũng thuộc loại bệnh trầm trọng. Bệnh này lấy thuốc quán bất tịnh để trị. Quán thân nhớp nhúa bẩn thỉu, tự nhiên bớt tham sắc. Vì sao chúng ta dính mắc với sắc đẹp? Vì nhìn mọi người qua dáng vẻ bên ngoài, chứ không thấy tột cùng phần bên trong. Đức Phật thấy rõ con người chỉ là một đãy da hôi thối. Đó là lẽ thật mà chúng ta lại không dám nhận. Nghe hôi liền kiếm nước hoa bôi lên cho thơm, thấy đen liền lấy phấn thoa lên cho trắng. Đó là đánh lừa nhau, chứ không có lẽ thật. Sự thật thì từ đầu tới chân, chỗ nào cũng nhớp hết. Nếu thân thật đẹp đẽ, sang trọng, lẽ ra trong ngoài đều phải tốt đẹp, nhưng đằng này vừa có rịn chảy chỗ nào thì ta liền nghe hôi hám nhơ nhớp.

Đó là Phật dạy chúng ta thấy đúng như thật giá trị của con người. Khi đã thấy thân là đãy da hôi thối, mình có muốn tìm vài ba đãy da hôi thối ở chung nữa không? Một mình đã chịu không nổi rồi, còn thêm hai ba cái nữa thì quả là khổ! Nhờ quán vậy chúng ta không còn đắm mê sắc đẹp. Đó là chưa nói sắc đẹp không thể tồn tại lâu dài. Chỉ lứa tuổi thanh niên vẻ đẹp mới sung mãn, chứ tới bảy tám mươi tuổi thì da nhăn má hóp, lúc đó hết đẹp rồi. Cái đẹp chỉ tạm một thời mà người ta lại lầm mê, đắm đuối theo nó.

Phật dạy quán thân này nhơ nhớp, là quán ngay nơi mình chứ không phải quán nơi người khác. Nhiều người không biết, nghe Phật dạy quán thân bất tịnh, rồi thấy ai dễ thương liền quán trên người đó, quán một hồi thương thêm! Phải quán ngay nơi mình, biết rõ thân nhơ nhớp, gớm thân mình thì thân người khác cũng sẽ gớm. Quán bất tịnh thành công thì bệnh tham sắc không còn. Nên nói đó là thuốc trị bệnh tham sắc.

Đến tham danh làm sao trị? Tham danh là tham có chức quyền. Ví dụ người ra ứng cử quốc hội có lo không? Lo làm sao thu hút được quần chúng, nên cũng mất ăn mất ngủ. Kế lại lo cạnh tranh giữa những người được lòng dân, bởi đâu phải chỉ có mình ứng cử, như vậy khổ không? Nếu kết quả mình rớt thì khổ vô cùng, còn đậu mới thấy như vui nhưng thật ra cũng không vui. Vì lãnh trách nhiệm với dân phải làm cho được, nếu làm không được thì bị quở, như vậy cũng lo nữa. Đến khi mất chức lại càng khổ hơn. Như vậy trước khổ, giữa khổ, sau cũng khổ; ba thời đều khổ chứ sướng ích gì! Khổ mà người ta cứ tưởng vui, cho nên mới giành giựt với nhau. Người tu biết rõ tham danh là nhân đau khổ. Quán như thế thì trị bệnh tham danh.

Đến tham ăn, có ai không tham ăn đâu. Đại đa số đều thích ăn ngon. Như vậy, bệnh tham ăn làm sao để trị. Chúng ta phải dùng hai thứ thuốc: một là quán vô thường, hai là quán bất tịnh. Cái ngon không tồn tại được lâu, chỉ một phút nửa phút khi nhai, lúc thức ăn còn ở lưỡi thấy ngon, nhưng nuốt qua khỏi cổ rồi thành hôi dơ. Như vậy thức ăn uống chỉ là tạm bợ, ngon trong chốc lát, chứ không bền. Chúng ta ăn cốt để sống khỏe mạnh, chứ không phải ăn cốt để ngon. Nhiều khi vì muốn ăn ngon mình phải tốn hao tiền của gấp mấy lần ăn bình thường. Rõ ràng do tham ăn mà khổ, đó là chưa nói ăn ngon quá sanh bệnh. Cho nên việc ăn uống hạn chế vừa phải, đừng đòi hỏi, đừng tham lam. Đó là biết quán vô thường, quán bất tịnh để trừ bệnh tham ăn.

Đến tham ngủ lấy gì để trị? Tham ngủ là bệnh trầm trọng chung cho nhiều người. Ví dụ Phật tử biết tu, hẹn năm giờ khuya thức dậy tụng kinh, hoặc niệm Phật, tọa thiền. Nhưng đêm đó ngủ ngon giấc, nghe đồng hồ reo cứ lăn qua trở lại, một lát rồi thôi cho nó qua luôn. Đó là bệnh tham ngủ, cũng gọi là bệnh giải đãi, lười biếng. Đối với bệnh tham ngủ, có hai pháp để trị. Một là tinh tấn trị giải đãi, hai là quán vô thường. Khi đang ngủ, nghe tiếng kẻng hoặc đồng hồ reo không muốn thức, thì phải nhớ rằng ngày nay mình khỏe mạnh, nhưng chắc gì ngày mai cũng khỏe, nên giờ nào khỏe mạnh thì phải ráng tu, để mai mốt lỡ chết làm sao tu được. Đó là quán vô thường để đánh thức, để lay tỉnh chúng ta ráng tu.

Phật thường dạy phải quán vô thường như cứu lửa cháy đầu. Lửa rớt một đốm lên đầu, ta chờ năm mười phút sau mới phủi hay phủi liền? Vừa thấy lửa cháy đầu thì phải phủi liền. Cũng vậy, ngày nay chúng ta khỏe mạnh, ngày mai chắc gì khỏe mạnh. Vì vậy ngày nào khỏe mạnh thì ráng tu ngày ấy, không chần chờ. Đó là chúng ta biết thân này vô thường, không bảo đảm, lúc nào làm được gì thì cố gắng làm, không bỏ qua.

buddhist-737275_960_720.jpg
Phiền não do tham sân si mà ra. Nếu biết chừa, biết ngăn đón tham sân si thì phiền não sẽ giảm dần.

Nhờ quán vô thường ngay lúc đó ta trỗi dậy, đi rửa mặt rồi tụng kinh niệm Phật hoặc tọa thiền. Nếu cứ lăn qua trở lại dật dựa hoài thì không trỗi dậy nổi, con ma ngủ sẽ làm chủ mình. Quán vô thường xong, kế đó lấy roi tinh tấn đánh mạnh một cái, bắt nó trỗi dậy rửa mặt thì mình tu được, không bị mất thì giờ. Đó là phương pháp trị bệnh tham ngủ.

Như vậy, năm bệnh tham kể trên đều có thuốc trị. Chỉ vì Phật tử lâu nay không biết thuốc trị, nên gặp bệnh không biết làm sao. Trị được năm bệnh đó rồi thì chúng ta hết tham, hết sân.

Đến sau cùng là si. Si mê là gốc đau khổ nhất của cuộc đời. Nói theo đúng thứ lớp thì trước là si, rồi tới tham, sân. Sân là ngọn, si là gốc. Tại sao? Si mê là thấy không đúng như thật. Sự vật trắng mà mình thấy đen, xấu mà cho tốt, đó là si mê. Si mê là thấy theo ảo tưởng, trí tuệ là thấy đúng như thật. Người nào sống theo ảo tưởng sai lầm đó là người si mê.

Chữ si mê trong nhà Phật có chia từng loại. Loại cạn nhất không biết phân biệt thiện ác, tội phúc, chánh tà. Chúng ta tu phải biết rõ gì là thiện gì là ác. Trong nhà Phật dạy làm gì được tốt đẹp, sáng suốt, đem lại lợi ích cho mọi người, đó là thiện. Ngược lại làm điều xấu xa, đem lại nguy hiểm cho mọi người, đó là ác.

Phiền não do tham sân si mà ra. Nếu chúng ta biết chừa, biết ngăn đón tham sân si thì phiền não sẽ giảm dần. Nếu dẹp được mây phiền não thì ông Phật của mình hiện ra, không cần tìm kiếm ở đâu hết. Sống được với ông Phật thật của chính mình, đó là người biết tu, biết trở về cái cứu kính chân thật, nguồn an lạc vĩnh cửu. Ngược lại, chạy theo tâm suy nghĩ lăng xăng, chúng ta chỉ chuốc đau khổ mà thôi.

Chúng ta phải luôn tỉnh để tự cứu mình, chứ không ai cứu mình được. Nếu mê thì đi trong trầm luân muôn kiếp, còn tỉnh thì lần lần thoát khỏi phiền não, vượt ra vòng luân hồi sinh tử. Đó là chỗ cao siêu, cứu kính trong đạo Phật.

HT.Thích Thanh Từ

Thứ ba, 23 Tháng 5 2017 17:42

Về một nơi tu tập dành cho giới trẻ

Nhà chùa cần nhiều mô hình tu-học-sinh hoạt
để giới trẻ rèn luyện thân-tâm, nhất là dịp hè này - Ảnh: Thanh Niên

Trong bầu không khí hân hoan, hỷ lạc đón mừng mùa Phật đản PL.2561, chuyên mục Phật giáo - Tuổi trẻ trên Giác Ngộ số 895, ra ngày 10-4 ÂL, đăng tải một bài viết tưởng chừng như “lạc lõng”: Giới trẻ “đỏ mắt” tìm nơi tu học - bài báo như gióng lên tiếng chuông mạnh mẽ đánh động vào một thực tế đáng quan ngại. Phải chăng Phật giáo nước ta đang thiếu những pháp hành thích hợp với giới trẻ?

Theo tác giả bài báo, những địa chỉ thường hay tổ chức các khóa tu dành cho giới trẻ tại TP.HCM quanh đi quẩn lại vẫn là các chùa Hoằng Pháp, Phổ Quang, Giác Ngộ, tu viện Tường Vân…, nói chung chỉ đếm trên đầu ngón tay. Góc nhìn của tác giả có thể chưa bao quát được vấn đề, song dễ dàng nhận thấy những địa chỉ tu học dành cho người mong muốn thực hành giáo lý đạo Phật là ít ỏi, chưa thực sự tương xứng so với số chùa hiện có.

Mô hình tu tập phổ biến nhất của các chùa hiện nay ở TP.HCM nói riêng và Việt Nam nói chung là các đạo tràng tụng kinh, niệm Phật và Bát quan trai giới. Những đạo tràng này thường thích hợp với những Phật tử thuần thành, đặc biệt với những người lớn tuổi. Giới trẻ nói chung và những người bước đầu tìm hiểu, mong muốn thực hành giáo lý Phật giáo thường e ngại những nơi “thuần túy” như thế. Vả chăng, mong muốn của họ là tìm được một phương pháp cũng như một nơi thích hợp để “tịnh tâm tu tập”, mục đích “lấy lại cân bằng” để tiếp tục “chinh chiến” giữa trường đời!

Trong lời phát biểu trước thềm Phật đản năm nay, một vị tôn túc lãnh đạo tinh thần của Trung tâm Phật giáo Maha Vihara - Malaysia nhấn mạnh: “Điều quan trọng nhất là lễ Vesak hướng con người đến chuyện học, thực hành các lời dạy của Đức Phật. Mỗi chúng ta cần nỗ lực cao nhất trở về thực hành các giá trị Phật giáo”. Tuy vậy, trong một phát biểu khác cũng vào dịp này, Thượng tọa Saranankara, trú trì chùa Sri Jayanti - Malaysia cho rằng: “Với giới trẻ, điều thu hút họ đến chùa chính là âm điệu của những ca từ văn nghệ và những khóa lễ sắc màu. Nếu bắt các em phải ngồi yên một chỗ và thiền tập thực sự là một điều vô cùng khó”. Đó chính là những băn khoăn, mâu thuẫn của những người hoằng pháp. Và, ở nước ta, các khóa tu dành cho giới trẻ có vẻ như đồng cảm với quan điểm của Thượng tọa Saranankara hơn.

Trên thực tế, nhu cầu thực hành Phật giáo chuyên sâu của một bộ phận giới trẻ, nhất là doanh nhân, trí thức và giới văn phòng… ngày càng cao. Với họ, thiền tập là một phương pháp hiệu quả, và trên một phương diện nào đó, không mang nặng tính tôn giáo, người khác đạo vẫn có thể thực hành. Thử liên hệ đăng ký những nơi thường mở các khóa thiền 10 ngày, điển hình như tịnh xá Ngọc Thành - Thủ Đức, mặc dù quy định khắt khe, song các khóa thiền này vẫn thường kín chỗ, phải đợi nhiều tháng mới có thể tham dự.

Bản thân chúng tôi cũng nhận được nhiều câu hỏi về những phương pháp an tâm, giải tỏa bấn loạn, stress, làm giàu năng lượng để sống “chất lượng” về mặt nội tâm của nhiều người trẻ là Phật tử hoặc chưa từng thực hành Phật giáo. Dĩ nhiên, muốn đạt được điều đó, những lời giảng suông sẽ không mang lại hiệu quả thiết thực; họ phải cần đến một phương pháp cụ thể và liên tục thực hành. Phương pháp thì nhiều, song ai sẽ là người hướng dẫn, và địa điểm nào hiện có thích hợp nhất cho họ?

Còn nhớ tại hội nghị toàn quốc về ngành Tăng sự của Giáo hội - năm 2016, Hòa thượng Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN đã nhận định tỷ lệ Phật tử trẻ chỉ khoảng 15% số tín đồ đạo Phật, còn lại là thành phần lớn tuổi. Đã đến lúc lãnh đạo Giáo hội, các vị trụ trì quan tâm hơn nữa đến vấn đề và nhu cầu thiết thực này.

Đăng Tâm

Ngay từ đầu năm 2017, việc tổ chức Đại lễ Phật đản đã được đặt ra trong các phiên họp giao ban hàng tuần của Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN TP.HCM cũng như trong các cuộc họp Ban Trị sự Phật giáo TP mở rộng mỗi kỳ sau lễ bố-tát của chư Tăng mỗi nửa tháng âm lịch.

* Nói về công tác chuẩn bị cho đại lễ, HT.Thích Trí Quảng, Phó Pháp chủ HĐCM, Trưởng ban Trị sự Phật giáo TP, Trưởng ban Tổ chức Đại lễ cho biết:

- Đại lễ Kính mừng Phật đản là một trong những sự kiện văn hóa - tâm linh quan trọng của Phật giáo, trong đó có Phật giáo TP.HCM, nên Ban Thường trực Ban Trị sự coi đó là một Phật sự quan trọng, đã sớm lên chương trình và tính đến biện pháp thực hiện phù hợp với bối cảnh và trong điều kiện của Phật giáo tại thành phố chúng ta.

Năm nay là năm đầu nhiệm kỳ của các Ban Trị sự Phật giáo các quận huyện sau khi đa số đã tổ chức Đại hội thành tựu tốt đẹp, với nhân sự mới được trẻ hóa, có năng lực và nhiệt tâm, chúng tôi tin tưởng rằng sẽ tạo nên một sinh khí mới trong hình thức và nội dung tổ chức Đại lễ Phật đản PL.2561 ở đều khắp các quận huyện của thành phố chúng ta, qua đó khẳng định năng lực của mình, quyết tâm thực hiện chương trình hoạt động thể hiện qua nghị quyết của Đại hội đã thông qua.

Đây cũng là năm cuối trong nhiệm kỳ VIII của Phật giáo TP.HCM, Ban Thường trực Ban Trị sự đã quyết tâm thực hiện nhiều hoạt động Phật sự, trong đó có việc tái kiến thiết Việt Nam Quốc Tự - trung tâm tâm linh, văn hóa và hành chánh mới của Phật giáo TP.HCM cùng các công trình khác như Bát Bửu Phật Đài, tiếp tục hoàn thiện Học viện Phật giáo VN cơ sở tại xã Lê Minh Xuân…; đặc biệt, Ban Kiến thiết sẽ cố gắng hoàn thành ngôi chánh điện Việt Nam Quốc Tự, để công tác thực hiện thiết kế lễ đài chính của thành phố và buổi lễ chính thức được diễn ra một cách trang nghiêm hơn các năm trước đây khi công trình xây dựng còn bề bộn. Cũng tại nơi đây, dự kiến tháng 11-2017, sẽ diễn ra Đại hội đại biểu Phật giáo TP lần thứ IX (nhiệm kỳ 2017-2022) khi đã hoàn tất hội trường với các trang thiết bị phù hợp cho một sự kiện Phật giáo quan trọng.

* Bạch Hòa thượng, nếu phải nói đến điểm nhấn của bức tranh Đại lễ Phật đản PL.2561 tại TP.HCM thì đó là gì?

- Như chúng tôi đã nói, năm nay là năm đầu của nhiệm kỳ 2016-2021 của Ban Trị sự Phật giáo các quận huyện, nên trong các phiên họp mở rộng từ đầu năm cho đến nay, chúng tôi đã yêu cầu lãnh đạo Ban Trị sự các quận huyện của thành phố phải sớm lên kế hoạch cho việc tổ chức Đại lễ Phật đản PL.2561 với hình thức mới, nội dung thiết thực. Đây là lúc mà lớp lãnh đạo mới ở quận huyện thể hiện năng lực cũng như khẳng định sự tín nhiệm của Tăng Ni, Phật tử đối với mình là có cơ sở.

Chúng tôi đã yêu cầu mỗi quận huyện phải có ít nhất một lễ đài Phật đản chung, ngoài các hoạt động khác như diễu hành xe hoa trên địa bàn, thuyết pháp, tọa đàm, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, chăm sóc người khó khăn, đền ơn đáp nghĩa… trong tinh thần vị tha và tri ân của người con Phật.

Riêng Phật giáo thành phố, vẫn như năm trước, Đại lễ Phật đản PL.2561 sẽ diễn ra trong một tuần, mở đầu là lễ rước Phật từ 5 giờ sáng ngày mùng 8-4 âm lịch từ tổ đình Ấn Quang đến Việt Nam Quốc Tự - nơi sẽ thiết trí lễ đài trung tâm, và sẽ diễn ra lễ tắm Phật vào lúc mặt trời mọc theo truyền thống (Giác Ngộ online đã đưa tin - xem TẠI ĐÂY).

Suốt tuần lễ đó, từ mùng 8 đến rằm tháng Tư âm lịch (3 đến 10-5-2017) sẽ liên tục diễn ra nhiều hoạt động thuyết giảng tại lễ đài trung tâm, các hoạt động văn hóa, văn nghệ kính mừng Phật đản tại các cơ sở của Giáo hội và nhiều hoạt động thể hiện tinh thần tri ân, uống nước nhớ nguồn của đạo Phật và truyền thống dân tộc…

Riêng đối với lễ đài Phật đản trung tâm tại Việt Nam Quốc Tự, chúng tôi đã đề nghị những vị phụ trách thiết kế nỗ lực làm sao có sáng tạo, đổi mới, vừa ứng dụng các phương tiện kỹ thuật hiện đại, vừa chuyển tải được nét truyền thống, giữ được ý nghĩa thiêng liêng, sự tôn nghiêm để cúng dường lên Đức Phật nhân ngày Khánh đản của Ngài. Đó là tâm nguyện của Tăng Ni, Phật tử kính ngưỡng, hướng lên Đức Thế Tôn, Bậc Thầy của trời người.

* Có ý kiến cho rằng lễ rước Phật tại thành phố tổ chức những năm gần đây là rất hay, thực sự thiêng liêng và ý nghĩa. Tuy nhiên đáng tiếc là thời gian tổ chức quá sớm, diễn ra chính thức từ 5 giờ cho đến 6 giờ sáng - không thuận tiện cho nhiều người có cơ hội tham dự. Nên chăng đổi mốc thời gian với sự kiện này? Hòa thượng nghĩ gì trước ý kiến đó, bạch Hòa thượng?

- Vấn đề đó đã được chư tôn đức trong Ban Thường trực Ban Trị sự cũng như Ban Tổ chức Đại lễ đặt ra và qua nhiều lần thảo luận, cân nhắc và đã cùng có quyết định như trên. Bởi do đặc điểm về giao thông và tình hình của TP.HCM chúng ta hiện nay, việc tổ chức vào thời điểm đó là phù hợp nhất nhằm đảm bảo được tính thiêng liêng cho một nghi lễ tâm linh mở đầu cho chuỗi hoạt động trong Tuần lễ Kính mừng Phật đản diễn ra thuận lợi và viên mãn.

ANHAA (19).JPG
Niệm hương - kính mừng Phật Đản sinh tại Việt Nam Quốc Tự - hôm 8-4-Đinh Dậu

* Nhân mùa Phật đản năm nay, Hòa thượng có lời nhắn nhủ gì đến Tăng Ni Phật tử thành phố nói riêng và cả nước nói chung?

- Sự kiện Đức Phật thị hiện Đản sanh giữa cuộc đời này là hy hữu, đó là ngày quan trọng đối với Tăng Ni, Phật tử chúng ta. Nhớ nghĩ ngày Khánh đản của Đức Phật không gì cao quý hơn bằng việc ý thức nỗ lực thực hành lời Phật dạy, nỗ lực làm mọi việc trong tinh thần mà Ngài đã di huấn: “Vì hạnh phúc cho đa số, an lạc cho đa số, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc cho chư Thiên và loài Người”. Với tinh thần và ý thức đó, mỗi người hãy tích cực tham dự các hoạt động Phật sự, hoạt động xã hội trong mỗi vai trò mà mình tham gia, góp phần cải thiện đời sống dân sinh, lợi mình lợi người, như vậy chúng ta mới xứng đáng là người kế thừa, là con Phật.

* Kính cảm ơn Hòa thượng!

Thích Pháp Hỷ thực hiện

GNO - Sáng nay, 9-4-Đinh Dậu (4-5-2017) thay mặt cho Đảng, Chính phủ và các cơ quan Trung ương, Chủ tịch nước Trần Đại Quang cùng đại diện lãnh đạo các cơ quan ban ngành (Ủy ban TƯMTTQ Việt Nam, Ban Tôn giáo Chính phủ, Bộ Công an) đã tới chùa Ráng - Viên Minh tự thăm và chúc mừng tới Trưởng lão HT.Thích Phổ Tuệ - Pháp chủ GHPGVN và chư tôn đức giáo phẩm lãnh đạo HĐCM, HĐTS GHPGVN, cùng Tăng Ni Phật tử Việt Nam nhân mùa Phật đản PL.2561 - DL.2017.

Trưởng lão HT.Thích Phổ Tuệ; HT.Thích Thanh Nhiễu - Phó Chủ tịch Thường trực HĐTS GHPGVN, cùng chư tôn đức giáo phẩm GHPGVN trân trọng tiếp đoàn.

Tại buổi gặp mặt, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã gửi lời chúc sức khỏe tới Đức Pháp chủ GHPGVN - Trưởng lão HT.Thích Phổ Tuệ và chư tôn đức giáo phẩm lãnh đạo GHPGVN nhân mùa Phật đản 2017.

Thay mặt lãnh đạo Đảng và nhà nước, Chủ tịch nước đã ghi nhận những đóng góp của GHPGVN: đã luôn đồng hành cùng dân tộc.Ông Trần Đại Quang cho biết, Đảng và nhà nước luôn đánh giá cao sự đóng góp to lớn và trực tiếp của GHPGVN cùng các tôn giáo khác nói chung và đặc biệt là Phật giáo nói riêng trong sự phát triển của đất nước.
Chủ tịch nước chúc mừng Phật đản Đức Pháp chủ

Chủ tịch nước mong muốn GHPGVN dưới sự lãnh đạo của Đức Pháp chủ sẽ tiếp tục phát huy các truyền thống tốt đẹp, nhằm xây dựng Giáo hội ngày càng vững mạnh, thực hiện đúng phương châm "Đạo pháp - Dân tộc - CNXH”. Đảng và Nhà nước rất quan tâm, ủng hộ các hoạt động của Giáo hội với tinh thần hộ quốc an dân  nhằm xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân vì hạnh phúc của muôn dân góp phần vào sự phát triển của xã hội - Chủ tịch nói.

Đặc biệt, kỷ niệm ngày Đản sinh năm nay cũng là năm Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức Đại hội Phật giáo toàn quốc lần thứ VIII, Tăng Ni và Phật tử Giáo hội Phật giáo Việt Nam đoàn kết, tập trung trí tuệ cùng nhau tổ chức thành công Đại hội đại biểu Phật giáo cấp tỉnh, thành phố, tiến tới Đại hội Phật giáo toàn quốc nhiệm kỳ VIII (2017 - 2022), cùng chung tay xây dựng đất nước hòa bình, an lạc.

Đức pháp chủ GHPGVN trân trọng gửi lời cảm ơn tới các cấp lãnh đạo Đảng và nhà nước đã quan tâm đến ngày lễ trọng của Phật giáo thăm và chúc mừng GHPGVN nhân mùa Phật đản  PL.2561 - DL.2017.

Đức Pháp chủ bày tỏ sự cảm ơn sâu sắc sự quan tâm giúp đỡ của các cấp lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đối với các hoạt động Phật sự của Tăng Ni, Phật tử các cấp Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Tại buổi nói chuyện thân mật, Đức Pháp chủ đã nhấn mạnh về ý nghĩa ngày Phật đản là ngày quan trọng của Phật giáo, "mỗi chúng ta phải nỗ lực làm cho Đạo Phật xương minh, tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong việc đem lại an lạc, hạnh phúc cho bản thân và gia đình, sự phồn vinh, thịnh vượng cho đất nước, và hòa bình cho nhân loại", ngài gửi gắm.

Đoàn tặng hoa chúc mừng

img_1139.jpg
Chủ tịch nước ân cần trò chuyện với Đức Pháp chủ và chư Tăng

img_1181.jpg
Sau buổi thăm

Nhân dịp này, Chủ tịch nước Trần Đại Quang cùng các ban ngành lãnh đạo đã gửi tặng lẵng hoa tới Đức Pháp chủ GHPGVN.

Cẩm Vân

«Bắt đầuLùi12345678910Tiếp theoCuối»
Trang 3 trong tổng số 12

Ảnh Đẹp

2 1.jpg
  • MP3 Nghe Nhiều

  • Tin Mới

  • Tin Đọc Nhiều

Suy Niệm Lời Phật Dạy

Sududdasa.m sunipuna.m yatthakaamanipaatina.m
Citta.m rakkhetha medhaavii citta.m gutta.m sukhaavaha.m.

The mind is very hard to perceive,
extremely subtle, flits wherever it listeth.
Let the wise person guard it;
a guarded mind is conducive to happiness

Tâm tế vi, khó thấy,
Vun vút theo dục trần,
Người trí phòng hộ tâm,
Phòng tâm thì an lạc.
(PC 36)

Kẻ đam mê ái dục,
Say đắm theo lục trần,
Tuy mong cầu an lạc,
Sanh tử vẫn hoại thân.
(PC 341)

Chiến thắng gây thù hận,
Thất bại chuốc khổ đau,
Từ bỏ mọi thắng bại,
An tịnh liền theo sau
(PC 201)

Sududdasa.m sunipuna.m yatthakaamanipaatina.m
Citta.m rakkhetha medhaavii citta.m gutta.m sukhaavaha.m.

The mind is very hard to perceive,
extremely subtle, flits wherever it listeth.
Let the wise person guard it;
a guarded mind is conducive to happiness

Tâm tế vi, khó thấy,
Vun vút theo dục trần,
Người trí phòng hộ tâm,
Phòng tâm thì an lạc.
(PC 36)

Kẻ đam mê ái dục,
Say đắm theo lục trần,
Tuy mong cầu an lạc,
Sanh tử vẫn hoại thân.
(PC 341)

Chiến thắng gây thù hận,
Thất bại chuốc khổ đau,
Từ bỏ mọi thắng bại,
An tịnh liền theo sau
(PC 201)

Sududdasa.m sunipuna.m yatthakaamanipaatina.m
Citta.m rakkhetha medhaavii citta.m gutta.m sukhaavaha.m.

The mind is very hard to perceive,
extremely subtle, flits wherever it listeth.
Let the wise person guard it;
a guarded mind is conducive to happiness

Tâm tế vi, khó thấy,
Vun vút theo dục trần,
Người trí phòng hộ tâm,
Phòng tâm thì an lạc.
(PC 36)

Kẻ đam mê ái dục,
Say đắm theo lục trần,
Tuy mong cầu an lạc,
Sanh tử vẫn hoại thân.
(PC 341)

Chiến thắng gây thù hận,
Thất bại chuốc khổ đau,
Từ bỏ mọi thắng bại,
An tịnh liền theo sau
(PC 201)

Sududdasa.m sunipuna.m yatthakaamanipaatina.m
Citta.m rakkhetha medhaavii citta.m gutta.m sukhaavaha.m.

The mind is very hard to perceive,
extremely subtle, flits wherever it listeth.
Let the wise person guard it;
a guarded mind is conducive to happiness

Tâm tế vi, khó thấy,
Vun vút theo dục trần,
Người trí phòng hộ tâm,
Phòng tâm thì an lạc.
(PC 36)

Kẻ đam mê ái dục,
Say đắm theo lục trần,
Tuy mong cầu an lạc,
Sanh tử vẫn hoại thân.
(PC 341)

Chiến thắng gây thù hận,
Thất bại chuốc khổ đau,
Từ bỏ mọi thắng bại,
An tịnh liền theo sau
(PC 201)

Sududdasa.m sunipuna.m yatthakaamanipaatina.m
Citta.m rakkhetha medhaavii citta.m gutta.m sukhaavaha.m.

The mind is very hard to perceive,
extremely subtle, flits wherever it listeth.
Let the wise person guard it;
a guarded mind is conducive to happiness

Tâm tế vi, khó thấy,
Vun vút theo dục trần,
Người trí phòng hộ tâm,
Phòng tâm thì an lạc.
(PC 36)

Kẻ đam mê ái dục,
Say đắm theo lục trần,
Tuy mong cầu an lạc,
Sanh tử vẫn hoại thân.
(PC 341)

Chiến thắng gây thù hận,
Thất bại chuốc khổ đau,
Từ bỏ mọi thắng bại,
An tịnh liền theo sau
(PC 201)

Sududdasa.m sunipuna.m yatthakaamanipaatina.m
Citta.m rakkhetha medhaavii citta.m gutta.m sukhaavaha.m.

The mind is very hard to perceive,
extremely subtle, flits wherever it listeth.
Let the wise person guard it;
a guarded mind is conducive to happiness

Tâm tế vi, khó thấy,
Vun vút theo dục trần,
Người trí phòng hộ tâm,
Phòng tâm thì an lạc.
(PC 36)

Kẻ đam mê ái dục,
Say đắm theo lục trần,
Tuy mong cầu an lạc,
Sanh tử vẫn hoại thân.
(PC 341)

Chiến thắng gây thù hận,
Thất bại chuốc khổ đau,
Từ bỏ mọi thắng bại,
An tịnh liền theo sau
(PC 201)

Sududdasa.m sunipuna.m yatthakaamanipaatina.m
Citta.m rakkhetha medhaavii citta.m gutta.m sukhaavaha.m.

The mind is very hard to perceive,
extremely subtle, flits wherever it listeth.
Let the wise person guard it;
a guarded mind is conducive to happiness

Tâm tế vi, khó thấy,
Vun vút theo dục trần,
Người trí phòng hộ tâm,
Phòng tâm thì an lạc.
(PC 36)

Kẻ đam mê ái dục,
Say đắm theo lục trần,
Tuy mong cầu an lạc,
Sanh tử vẫn hoại thân.
(PC 341)

Chiến thắng gây thù hận,
Thất bại chuốc khổ đau,
Từ bỏ mọi thắng bại,
An tịnh liền theo sau
(PC 201)

Sududdasa.m sunipuna.m yatthakaamanipaatina.m
Citta.m rakkhetha medhaavii citta.m gutta.m sukhaavaha.m.

The mind is very hard to perceive,
extremely subtle, flits wherever it listeth.
Let the wise person guard it;
a guarded mind is conducive to happiness

Tâm tế vi, khó thấy,
Vun vút theo dục trần,
Người trí phòng hộ tâm,
Phòng tâm thì an lạc.
(PC 36)

Kẻ đam mê ái dục,
Say đắm theo lục trần,
Tuy mong cầu an lạc,
Sanh tử vẫn hoại thân.
(PC 341)

Chiến thắng gây thù hận,
Thất bại chuốc khổ đau,
Từ bỏ mọi thắng bại,
An tịnh liền theo sau
(PC 201)

Sududdasa.m sunipuna.m yatthakaamanipaatina.m
Citta.m rakkhetha medhaavii citta.m gutta.m sukhaavaha.m.

The mind is very hard to perceive,
extremely subtle, flits wherever it listeth.
Let the wise person guard it;
a guarded mind is conducive to happiness

Tâm tế vi, khó thấy,
Vun vút theo dục trần,
Người trí phòng hộ tâm,
Phòng tâm thì an lạc.
(PC 36)

Kẻ đam mê ái dục,
Say đắm theo lục trần,
Tuy mong cầu an lạc,
Sanh tử vẫn hoại thân.
(PC 341)

Chiến thắng gây thù hận,
Thất bại chuốc khổ đau,
Từ bỏ mọi thắng bại,
An tịnh liền theo sau
(PC 201)

Sududdasa.m sunipuna.m yatthakaamanipaatina.m
Citta.m rakkhetha medhaavii citta.m gutta.m sukhaavaha.m.

The mind is very hard to perceive,
extremely subtle, flits wherever it listeth.
Let the wise person guard it;
a guarded mind is conducive to happiness

Tâm tế vi, khó thấy,
Vun vút theo dục trần,
Người trí phòng hộ tâm,
Phòng tâm thì an lạc.
(PC 36)

Kẻ đam mê ái dục,
Say đắm theo lục trần,
Tuy mong cầu an lạc,
Sanh tử vẫn hoại thân.
(PC 341)

Chiến thắng gây thù hận,
Thất bại chuốc khổ đau,
Từ bỏ mọi thắng bại,
An tịnh liền theo sau
(PC 201)

Sududdasa.m sunipuna.m yatthakaamanipaatina.m
Citta.m rakkhetha medhaavii citta.m gutta.m sukhaavaha.m.

The mind is very hard to perceive,
extremely subtle, flits wherever it listeth.
Let the wise person guard it;
a guarded mind is conducive to happiness

Tâm tế vi, khó thấy,
Vun vút theo dục trần,
Người trí phòng hộ tâm,
Phòng tâm thì an lạc.
(PC 36)

Kẻ đam mê ái dục,
Say đắm theo lục trần,
Tuy mong cầu an lạc,
Sanh tử vẫn hoại thân.
(PC 341)

Chiến thắng gây thù hận,
Thất bại chuốc khổ đau,
Từ bỏ mọi thắng bại,
An tịnh liền theo sau
(PC 201)

Sududdasa.m sunipuna.m yatthakaamanipaatina.m
Citta.m rakkhetha medhaavii citta.m gutta.m sukhaavaha.m.

The mind is very hard to perceive,
extremely subtle, flits wherever it listeth.
Let the wise person guard it;
a guarded mind is conducive to happiness

Tâm tế vi, khó thấy,
Vun vút theo dục trần,
Người trí phòng hộ tâm,
Phòng tâm thì an lạc.
(PC 36)

Kẻ đam mê ái dục,
Say đắm theo lục trần,
Tuy mong cầu an lạc,
Sanh tử vẫn hoại thân.
(PC 341)

Chiến thắng gây thù hận,
Thất bại chuốc khổ đau,
Từ bỏ mọi thắng bại,
An tịnh liền theo sau
(PC 201)

Sududdasa.m sunipuna.m yatthakaamanipaatina.m
Citta.m rakkhetha medhaavii citta.m gutta.m sukhaavaha.m.

The mind is very hard to perceive,
extremely subtle, flits wherever it listeth.
Let the wise person guard it;
a guarded mind is conducive to happiness

Tâm tế vi, khó thấy,
Vun vút theo dục trần,
Người trí phòng hộ tâm,
Phòng tâm thì an lạc.
(PC 36)

Kẻ đam mê ái dục,
Say đắm theo lục trần,
Tuy mong cầu an lạc,
Sanh tử vẫn hoại thân.
(PC 341)

Chiến thắng gây thù hận,
Thất bại chuốc khổ đau,
Từ bỏ mọi thắng bại,
An tịnh liền theo sau
(PC 201)

Sududdasa.m sunipuna.m yatthakaamanipaatina.m
Citta.m rakkhetha medhaavii citta.m gutta.m sukhaavaha.m.

The mind is very hard to perceive,
extremely subtle, flits wherever it listeth.
Let the wise person guard it;
a guarded mind is conducive to happiness

Tâm tế vi, khó thấy,
Vun vút theo dục trần,
Người trí phòng hộ tâm,
Phòng tâm thì an lạc.
(PC 36)

Kẻ đam mê ái dục,
Say đắm theo lục trần,
Tuy mong cầu an lạc,
Sanh tử vẫn hoại thân.
(PC 341)

Chiến thắng gây thù hận,
Thất bại chuốc khổ đau,
Từ bỏ mọi thắng bại,
An tịnh liền theo sau
(PC 201)

Sududdasa.m sunipuna.m yatthakaamanipaatina.m
Citta.m rakkhetha medhaavii citta.m gutta.m sukhaavaha.m.

The mind is very hard to perceive,
extremely subtle, flits wherever it listeth.
Let the wise person guard it;
a guarded mind is conducive to happiness

Tâm tế vi, khó thấy,
Vun vút theo dục trần,
Người trí phòng hộ tâm,
Phòng tâm thì an lạc.
(PC 36)

Kẻ đam mê ái dục,
Say đắm theo lục trần,
Tuy mong cầu an lạc,
Sanh tử vẫn hoại thân.
(PC 341)

Chiến thắng gây thù hận,
Thất bại chuốc khổ đau,
Từ bỏ mọi thắng bại,
An tịnh liền theo sau
(PC 201)

Sududdasa.m sunipuna.m yatthakaamanipaatina.m
Citta.m rakkhetha medhaavii citta.m gutta.m sukhaavaha.m.

The mind is very hard to perceive,
extremely subtle, flits wherever it listeth.
Let the wise person guard it;
a guarded mind is conducive to happiness

Tâm tế vi, khó thấy,
Vun vút theo dục trần,
Người trí phòng hộ tâm,
Phòng tâm thì an lạc.
(PC 36)

Kẻ đam mê ái dục,
Say đắm theo lục trần,
Tuy mong cầu an lạc,
Sanh tử vẫn hoại thân.
(PC 341)

Chiến thắng gây thù hận,
Thất bại chuốc khổ đau,
Từ bỏ mọi thắng bại,
An tịnh liền theo sau
(PC 201)

Lịch và Đồng hồ

Content on this page requires a newer version of Adobe Flash Player.

Get Adobe Flash player

Content on this page requires a newer version of Adobe Flash Player.

Get Adobe Flash player