Nghệ Thuật

Hơn 200 người từ cộng đồng Dalit Gujarat đã chuyển sang Phật giáo trong 3 sự kiện riêng được tổ chức bởi các tổ chức Phật giáo tại Ahmedabad vào dịp Vijaya Dashmi, ban tổ chức cho biết hôm qua, 12-10.

90 người khác thuộc bang đã chuyển sang Phật giáo ở Nagpur, đưa tổng số người lên hơn 300.

Theo ban tổ chức, mặc dù việc chuyển đổi được thực hiện hàng năm vào ngày Vijaya Dashami, nhưng năm nay con số này tăng cao sau sự cố trận đòn Una Dalit.

"Có đến 140 người Dalit chuyển sang Phật giáo tại một sự kiện do Hội Phật giáo Gujarat tổ chức ở Dani Limda trên địa bàn của Ahmedabad hôm thứ Ba (11-10) để đánh dấu ngày Vijaya Dashmi", Ramesh Banker, một thành viên của Học viện Phật giáo Gujarat, nơi tổ chức sự kiện ở Ahmedabad, cho biết.

65 người từ cộng đồng đã chuyển sang Phật giáo tại một sự kiện riêng được tổ chức tại Kalol ở quận Gandhinagar, trong khi hơn 11 người đã được chuyển đổi ở Wadhwan thuộc Surendranagar.

Một trong số họ cũng theo Phật giáo tại một sự kiện tổ chức tại Kalol. Tổng cộng có 65 người chuyển đổi tại sự kiện này, P G Jyotikar của Hội Phật giáo Ấn Độ, cho biết.

Ông nói người Dalit thích chuyển đổi sang đạo Phật vào ngày Vijaya Dashmi vì vào ngày này năm 1956, Babasaheb B R Ambedkar đã chuyển sang Phật giáo cùng với nhiều người Dalit khác tại một sự kiện ở Nagpur.

Những người chấp nhận tôn giáo mới cho biết họ chuyển sang Phật giáo bởi vì đó là một "tôn giáo nhân đạo hơn" so với Ấn Độ giáo.

"Phật giáo là một tôn giáo nhân bản mang đến sự bình đẳng giữa các Phật tử mà không có bất kỳ sự phân tầng đẳng cấp nào như chúng ta thấy trong Ấn Độ giáo, và do đó, chúng tôi chuyển sang Phật giáo. Bình đẳng mang đến nhiều cơ hội hơn cho một cá nhân phát triển", Arvindsinh Chauhan cho biết.

Văn Công Hưng (theo rediff)

Chính phủ Ấn Độ đang nỗ lực để hỗ trợ Phật giáo trong việc xúc tiến kích cầu Du lịch Văn hóa Tâm linh Ấn Độ và để thu hút du khách ngoại quốc. Hôm Chủ nhật, ngày 02/10/2016 đã diễn ra buổi Khai mạc Hội nghị Liên Minh Phật giáo Toàn cầu tại Học viện Phật giáo quốc tế Karmapa (Karmapa International Buddhist Institute – KIBI), New Delhi, Ấn Độ.

Hội nghị được tổ chức từ ngày 02-06/2016, có sự hiện diện tham dự của gần 300 vị đại biểu đến từ 39 quốc gia, đông nhất là đại biểu các nước ASEAN. Báo cáo hội nghị cho biết chính phủ Ấn Độ đang cố gắng để hỗ trợ Phật giáo giáo trong việc xúc tiến kích cầu du lịch văn hóa tâm linh Ấn Độ và để thu hút du khách ngoại quốc.

Trong bài phát biểu của các công ty lữ hành và các nhà khai thác, các nhà đầu tư thương mại Du lịch trong nước và nước ngoài sẽ đáp ứng với những hoạt động tại Hoa Kỳ. Những nhu cầu, phương tiện được phối hợp thực hiện.
Buổi lễ Khai mạc Hội nghị Liên Minh Phật giáo Toàn cầu, Tiến sĩ Mahesh Sharma, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Du lịch và Hàng Không dân dụng Ấn Độ nói rằng: “Thế giới đang đối mặt với các vấn đề, những thách thức, hy vọng tất cả giải pháp Phật giáo đều đáp ứng được".
Thủ tướng Chính phủ Ấn Độ Shri Narendra Modi đặc biệt đánh giá rất cao Phật giáo và được phản ánh từ gần 300 Đại biểu đến từ 39 quốc gia. Phật giáo đã trở thành một tôn giáo thế giới. Những năm gần đây, Bộ Văn hóa, Du lịch và Hàng Không dân dụng Ấn Độ đã có nhiều sáng kiến mới trong việc trang bị thêm về cơ sở vật chất, nhu cầu dịch vụ tốt hơn, giúp du khách ngoại quốc hành hương chiêm bái các thánh tích Phật giáo...
Ông cũng nêu ra những trọng tâm của thánh tích Phật giáo quan trọng tại Ấn Độ, cần được bảo tồn và phát huy.
Hội nghị đã thông qua các di sản và các địa điểm hành hương Phật giáo.
Ra đời  vào tháng 8-2011, Liên Minh Phật giáo Toàn cầu (IBC), có hơn 320 tổ chức thành viên từ 39 quốc gia, hoạt động theo phương châm: “Trí tuệ tập thể” (Collective Wisdom), “tiếng nói thống nhất” (United Voice) nhằm chia sẻ cung cấp một tiếng nói thống nhất về các truyền thống Phật giáo và đảm bảo rằng các giá trị và nguyên tắc của Phật giáo luôn là một phần quan trọng trong tư tưởng xã hội và chính trị toàn cầu, và các giải pháp đối với các vấn đề quốc tế và quốc gia mà nhân loại đang quan tâm.
Thứ tư, 05 Tháng 10 2016 12:36

Triển lãm ảnh Phật giáo tại Praha

Một cuộc triển lãm ảnh về nữ tu Phật giáo vùng Himalaya do nhiếp ảnh gia Olivier Adam thực hiện vừa được tổ chức tại Thư viện ảnh quốc gia Praha (Cộng hòa Czech).

Triển lãm được sắp đặt trong không gian khu Hội thảo 2000, nơi Vaclav Havel, vị Tổng thống tiền nhiệm của Cộng hòa Czech và cũng là người bạn của Đức Dalai Lama, sáng lập cách đây 20 năm.

Olivier Adam đã đi khắp vùng Himalaya và chụp khá nhiều bức ảnh cho bộ sưu tập có tên “Những người con gái của Đức Phật”. Nhiếp ảnh gia này thường lui tới nhiều nhất là vùng cực Bắc Ấn Độ, gần Dharamsala.

Cũng nhờ những chuyến đi trong khoảng thời gian dài 8 năm qua mà Adam và vợ có đầy đủ các tư liệu về cuộc đời của các vị nữ tu Phật giáo. Được biết, triển lãm sẽ kéo dài đến 28-2 năm sau.

G.T
(theo Monitor)


Toàn cảnh Hội nghị thống nhất Phật giáo VN tại Hội trường chùa Quán Sứ, Hà Nội - Ảnh Tư liệu

Đó là ý trong Lời khai mạc Hội nghị đại biểu Thống nhất Phật giáo VN của HT.Thích Trí Thủ với vai trò là Trưởng ban Vận động Thống nhất Phật giáo VN, tại chùa Quán Sứ, Hà Nội, sáng ngày 4-11-1981.

“Hôm nay, lần đầu tiên trong lịch sử, chúng ta có một hội nghị gồm đầy đủ đại biểu các tổ chức, giáo hội, hệ phái Phật giáo trong cả nước: Bắc tông, Nam tông, Khất sĩ và Phật giáo Khmer, Tăng Ni và nam nữ cư sĩ, già và trẻ, từ mọi miền trên đất nước VN đã vân tập về đây, trong hội trường trang nghiêm và rực rỡ với một quyết tâm sắt đá: xây dựng hoàn thành ngôi nhà thống nhất Phật giáo VN”, Hòa thượng tuyên bố.

Như trong nội dung của hai bài trước đã giới thiệu, trong lịch sử Phật giáo VN đã diễn ra nhiều cuộc vận động thống nhất và kết quả là đã đi đến được thống nhất. Tuy nhiên, ngoại trừ sự thống nhất Phật giáo dưới thời nhà Trần, các cuộc thống nhất còn lại đều gặp một số trở ngại do cơ chế, hoặc do hoàn cảnh đất nước bị chia cắt tạm thời, nên chưa thực sự thống nhất xứng với danh xưng thống nhất toàn quốc, trọn vẹn lãnh thổ của đất nước ta và đầy đủ các thành phần, hệ phái, truyền thống, tổ chức Phật giáo hiện hữu.

“Sự thống nhất thực sự, trọn vẹn và dân chủ”

165 đại biểu thuộc các đoàn của Ban Vận động Thống nhất Phật giáo VN: Hội Phật giáo Thống nhất VN, Giáo hội Phật giáo VN Thống nhất, Giáo hội Phật giáo Cổ truyền VN, Ban Liên lạc Phật giáo yêu nước TP.HCM, Giáo hội Tăng-già Nguyên thủy VN, Hội Đoàn kết Sư sãi yêu nước Tây Nam Bộ, Giáo hội Tăng-già Khất sĩ VN, Thiên Thai Giáo Quán tông, Hội Phật học Nam Việt, các đại biểu Tăng Ni, cư sĩ tiêu biểu (38 vị giáo phẩm Hòa thượng, 70 vị Thượng tọa, 18 vị Đại đức, 6 vị Ni trưởng, 11 Ni sư, 1 Sư cô, 21 nam, nữ cư sĩ), là những vị tiêu biểu các tông phái, tổ chức mang theo nguyện vọng thống nhất trong một ngôi nhà Giáo hội chung đã cùng vân tập về chùa Quán Sứ, Hà Nội dự Hội nghị từ ngày 4 đến 7-11-1981.

Với vai trò Viện trưởng Viện Hóa đạo GHPGVNTN, HT.Thích Trí Thủ trong trả lời phỏng vấn Báo Giác Ngộ  trước sự kiện này đã bày tỏ ẩn ý thú vị: “Thật là vô lý khi suốt một đời người từ tấm bé đến lúc già nua chỉ mặc có một chiếc áo mà cũng vừa và hợp thời trang hay sao? Đạo Phật là đạo của khế cơ khế lý mà lại đứng yên một chỗ, một hình thái thì thật là kỳ cục và chỉ đưa đến sự hủy diệt mà thôi”. (báo Giác Ngộ số 131, năm 1981)

Đó cũng chính là điểm gặp gỡ của chư tôn đức giáo phẩm, các vị đứng đầu các  Giáo hội, tông phái, hệ phái lúc bấy giờ. HT.Thích Minh Nguyệt, Chủ tịch Ban Liên lạc Phật giáo yêu nước TP.HCM cho rằng việc thống nhất Phật giáo là “cơ duyên để củng cố lại tư tưởng gần với Chánh pháp phù hợp với tình cảm của dân tộc…”. HT.Thích Giới Nghiêm, Tăng thống Giáo hội Tăng-già Nguyên thủy VN xác quyết rằng, Phật giáo không thể đứng ngoài lịch sử, “Việc thống nhất Phật giáo sẽ tạo cho Phật giáo có tiếng nói chung, có tổ chức chung và sự đóng góp cho Phật pháp cùng dân tộc sẽ to lớn hơn, mạnh hơn”, Hòa thượng nhận định.

qkien2.jpg
Chư tôn giáo phẩm cùng nhất tâm đảnh lễ Tam bảo
trước phiên khai mạc Hội nghị Thống nhất Phật giáo VN - Ảnh Tư liệu

Sau phiên trù bị ngày 3-11-1981, Hội nghị làm việc chính thức trong 4 ngày liên tục tiếp theo với nhiều nội dung, trong đó đặc biệt tập trung thảo luận các văn kiện quan trọng là Dự thảo Hiến chương và Đại cương Chương trình hoạt động của GHPGVN, nghe tham luận của đại diện 9 tổ chức, hệ phái Phật giáo tham dự; giới thiệu về cơ cấu của Hội đồng Chứng minh, Hội đồng Trị sự và Ban Thường trực thuộc cơ cấu Trung ương Giáo hội; suy tôn Pháp chủ Hội đồng Chứng minh, suy cử Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN...

“Sau ba lần khiêm nhường thoái thác trước toàn thể đại biểu, nhưng với sự cung kính nhất tâm quy ngưỡng của toàn đại hội, với thái độ trang nghiêm, chư tôn Trưởng lão HT.Thích Đức Nhuận và HT.Thích Trí Thủ cuối cùng cũng đã hoan hỷ nhận gánh trách nhiệm lãnh đạo Giáo hội, ngôi nhà chung và thực sự thống nhất của Phật giáo VN”. Trong niềm xúc động, HT.Thích Giác Toàn, Phó Chủ tịch HĐTS GHPGVN, là thành viên trẻ nhất trong Ban Vận động Thống nhất Phật giáo VN, đại diện cho hệ phái Phật giáo Khất sĩ hồi tưởng giờ phút thiêng liêng chiều 7-11-1981, tại phiên bế mạc, giới thiệu 50 vị giáo phẩm vào Hội đồng Chứng minh, suy tôn Pháp chủ; tuyên đọc danh sách 49 vị vào Hội đồng Trị sự và suy cử Chủ tịch.

Sau khi thành tựu viên mãn, Hội nghị đã ban hành Nghị quyết gồm 7 điểm, công bố Đại cương Chương trình hoạt động gồm 6 điểm, ra Tuyên bố về trách nhiệm bảo vệ hòa bình thế giới, ra Lời kêu gọi gởi đến toàn thể Tăng Ni, Phật tử trong và ngoài nước, xác nhận vai trò GHPGVN kế thừa lịch sử truyền bá giáo lý Phật-đà hơn hai ngàn năm, là tổ chức duy nhất đại diện cho Phật giáo VN trong và ngoài nước.

Niềm vui về sự ra đời của một tổ chức Giáo hội trong ý nghĩa thống nhất thực sự và trọn vẹn lan tỏa không chỉ trong Tăng Ni, Phật tử mà rộng đến cả các giới bên ngoài xã hội.

Nói về sự kiện “ngàn năm một thuở” này, HT.Thích Thanh Kiểm, trụ trì chùa Vĩnh Nghiêm bộc bạch ngay sau đó, “Việc thống nhất Phật giáo là một nguyện vọng ấp ủ lâu nay của mọi giới Tăng Ni, Phật tử cho nên hội nghị thành công làm cho mọi người vô cùng phấn khởi”. Đại diện cho tôn giáo bạn, Tổng Giám mục Nguyễn Văn Bình cũng đã có lời chúc mừng sự thành công của Hội nghị. Nghệ sĩ nhiếp ảnh tài hoa Võ An Ninh tin tưởng sự ra đời của GHPGVN sẽ đem đến một sinh khí mới để Phật giáo góp phần xây dựng đất nước, làm vẻ vang cho Phật giáo VN.

Nhiều vị giáo phẩm tôn túc, cư sĩ là chứng nhân của sự kiện lịch sử trên đã viên tịch, qua đời; một số vị vẫn còn đang tiếp tục các trọng trách của Giáo hội cũng như các công tác khác, như HT.Thích Thiện Bình, HT.Thích Hiển Pháp, HT.Thích Trí Quảng, HT.Dương Nhơn, HT.Danh Nhưỡng, HT.Thích Giác Toàn, HT.Thích Thiện Tâm, HT.Thích Thiện Duyên, HT.Thích Trí Tâm, CS.Tống Hồ Cầm, CS.Nguyễn Văn Hàm…

Những lời lưu danh muôn thuở

Hội nghị Thống nhất Phật giáo VN có ý nghĩa lịch sử hết sức lớn lao, là kết quả của một quá trình vận động nhiều tháng trước đó và đáp ứng nguyện vọng của Tăng tín đồ Phật giáo VN từ Bắc chí Nam, một số nước hải ngoại. “Nền thống nhất này dựa trên tinh thần dân chủ, lấy tứ chúng đồng tu làm cơ sở, chứ không dựa trên giáo quyền, phong kiến hay quyền lực cá nhân”. Lời khẳng định của HT.Thích Trí Thủ trong Diễn văn khai mạc cũng là cơ sở về đường lối hoạt động của GHPGVN trong mấy mươi năm qua, để GHPGVN là tổ chức duy nhất xứng đáng đại diện cho Phật giáo VN trong và ngoài nước.

Phát biểu tại Hội nghị, ông Xuân Thủy, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội đồng Nhà nước, sau khi chia sẻ những kinh nghiệm và ưu tư về đất nước trong bối cảnh thế giới, ông khẳng định “Phật giáo ở VN vốn có truyền thống yêu nước”, và ông chúc mừng sự thành công của hội nghị lịch sử này, đồng thời bày tỏ sau Hội nghị Thống nhất, dưới ngôi nhà chung, Tăng Ni và Phật tử “sẽ góp phần cùng với dân tộc viết thêm những trang sử mới huy hoàng”.

Ông Hoàng Quốc Việt, Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQVN tại phiên khai mạc, xác quyết chân lý được lịch sử chứng minh: “Kinh nghiệm chỉ ra rằng khi nào tôn giáo gắn bó với dân tộc, đoàn kết với nhân dân thì khi đó tôn giáo mới làm sáng tỏ chân lý đạo giáo của mình”. Hội nghị Thống nhất Phật giáo VN là sự kiện lịch sử sau khi đất nước hoàn toàn thống nhất, độc lập và tự chủ; đây là cơ hội để Phật giáo VN phát huy truyền thống yêu nước, gắn bó với dân tộc của mình.

qkien5.jpg
Ông Xuân Thủy phát biểu tại Hội nghị - Ảnh Tư liệu

Trong buổi tiếp đoàn các đại biểu tham dự Hội nghị Thống nhất Phật giáo VN tại Phủ Chủ tịch ngày 8-11-1981 sau khi Hội nghị thành tựu viên mãn, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Văn Đồng đã thay mặt Trung ương Đảng, Chính phủ, MTTQVN và nhân dân chúc mừng, ông chia sẻ rằng món quà cao quý mà ông thường dành tặng đến các quốc khách nước ngoài là tôn tượng Phật nghìn tay nghìn mắt, tiêu biểu cho Phật giáo VN. “Trong quá khứ, Phật giáo VN đã gắn chặt với dân tộc trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước. Lịch sử đã xác nhận Phật giáo VN là một tôn giáo từ bản chất, bản sắc từ trong thực tiễn hoạt động của mình, biểu hiện truyền thống yêu nước, gắn bó chặt chẽ với dân tộc, với Tổ quốc. Trong sự nghiệp cách mạng cao cả của dân tộc ngày nay, Phật giáo VN đã góp phần xứng đáng. Đối với VN, nói đến tôn giáo là người ta nghĩ ngay đến đạo Phật, đến những việc làm cao quý, đẹp đẽ của đông đảo Tăng Ni, Phật tử. Đạo Phật ở VN mang màu sắc dân tộc VN rõ rệt. Có thể nói rằng Phật giáo VN đã góp phần làm sáng ngời lý tưởng của dân tộc, và trưởng thành cùng dân tộc”.

Lời của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Văn Đồng được đúc kết trong cùng một âm hưởng xác quyết truyền thống của gắn bó của Phật giáo VN với dân tộc, đó là “hộ quốc an dân”, sự ra đời của GHPGVN là tất yếu lịch sử, kế thừa truyền thống ấy phù hợp với thời đại, như phương châm đã được đưa vào Hiến chương ngay từ ngày thành lập: “Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội”.

Hội nghị Thống nhất Phật giáo VN từ ngày 4 đến 7-11-1981 tại chùa Quán Sứ, Hà Nội chính là Hội nghị thành lập GHPGVN, đem đến “một nguồn vui vô hạn” và “đánh dấu bước đi mới của Phật giáo VN…” như lời của Hòa thượng Đệ nhất Chủ tịch Hội đồng Trị sự Thích Trí Thủ trong Lá thư xuân Nhâm Tuất - 1982 gởi đến toàn thể Tăng Ni, Phật tử.

Hoàng Độ - Quảng Kiến

Thứ tư, 05 Tháng 10 2016 12:21

Nguy cơ về hiện tượng lão hóa tín đồ

Đối với tôn giáo, tín đồ giữ vai trò quan trọng, vừa là đối tượng hướng đến vừa là yếu tố tạo nên sức sống, quyết định sự tồn vong và phát triển của một tôn giáo.

Phật giáo qua hàng ngàn năm hiện diện trên mảnh đất hình chữ S đã phát huy những giá trị tích cực của một tôn giáo nên được đón nhận như là lẽ sống đạo đức, tâm linh cần thiết của cộng đồng xã hội và các tầng lớp nhân dân qua các giai đoạn lịch sử. Các thiết chế về văn hóa, tư tưởng, triết lý của Phật giáo dần trở thành một phần không thể tách rời với dân tộc và có giai đoạn Phật giáo được xem là quốc giáo.

Sau 35 năm hình thành và phát triển, hệ thống hành chính Giáo hội đã phủ khắp 63/63 tỉnh, thành của đất nước. Và ngay từ nhiệm kỳ đầu tiên, Giáo hội cũng đã tạo lập, phân công nhiệm vụ cho hai ban trực thuộc chuyên trách về công tác Tăng Ni, tự viện, tín đồ nhưng suốt thời gian dài đó vẫn chưa có một số liệu chuẩn xác về tình hình tín đồ Phật giáo tại Việt Nam chia theo độ tuổi, cơ cấu, thành phần, địa bàn phân bố.

Cho đến năm 2015, trước những bức xúc của xã hội và trong giới Tăng Ni, Phật tử trước những tín hiệu giảm sút về tín đồ, Giáo hội đã ban hành thông tư hướng dẫn về việc thống kê Tăng Ni, tự viện, tín đồ trên toàn quốc. Tuy nhiên, do không có những hướng dẫn cụ thể và không đưa ra các công cụ thống kê chuẩn mực nên kết quả mang lại có tính phỏng đoán và không đáng tin cậy.

Trong phát biểu mới nhất về nội dung này tại Hội thảo Tăng sự toàn quốc 2016 vừa diễn ra tại Hà Nội, HT.Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch HĐTS cho biết có thể tạm ước tính: tín đồ Phật tử đã quy y có sổ bộ và phái Quy y tại các tự viện trên 63 tỉnh thành trong cả nước là 16.232.064 người, còn lại là tín ngưỡng đạo Phật 38.376.355 người.

Tuy nhiên, một trong những số liệu mà Hòa thượng Chủ tịch HĐTS đưa ra cần được quan tâm là với thông tin này, “lượng Phật tử trẻ còn tương đối thấp, chỉ khoảng 15%, còn lại là thành phần lớn tuổi”. Lần đầu tiên, vị đứng đầu cơ quan điều hành cao nhất của Phật giáo cả nước thừa nhận tỷ lệ chênh lệch quá lớn về cơ cấu theo độ tuổi tín đồ trước toàn thể chư tôn túc lãnh đạo Phật giáo khắp các tỉnh, thành trong toàn quốc nhân một hội thảo khoa học là điều đáng quan tâm.

Qua đó, dù chưa có số liệu chính xác, chưa thể đánh giá được tín đồ Phật giáo tại Việt Nam tăng hay giảm theo thời gian nhưng cũng có thể hình dung được hiện tượng lão hóa lực lượng Phật tử đang sinh hoạt trên khắp các tự viện. Và với số liệu về tỷ lệ Phật tử trẻ trong số tín đồ Phật giáo như đã xác định, không cần đặt câu hỏi nhưng với những ai có tâm huyết với công cuộc truyền bá Chánh pháp, xiển dương giá trị giải thoát cũng có thể tự hiểu thực trạng thay đổi niềm tin tôn giáo hiện đang diễn ra âm thầm mà khốc liệt như thế nào và giới trẻ đang chuyển hướng về đời sống tâm linh ra sao. 

Rồi đây, nếu không có những phương thức phù hợp, những chiến lược tốt trong công tác hoằng pháp, chỉ khoảng vài chục năm nữa, ta sẽ phải thừa nhận, tín đồ Phật giáo Việt Nam giảm thiểu một cách rõ rệt, đáng quan ngại.

Sơn Thoại

Cố mục sư Martin Luther King và Thiền sư Nhất Hạnh

Thiền sư Thích Nhất Hạnh, người mang Phật giáo đến với phương Tây vừa được vinh danh Giải thưởng Hòa bình và Tự do Pacem in Terris năm 2015 (Pacem in Terris Peace and Freedom Award) - theo tin từ trang điện tử The Catholic Messenger.

Theo lệ của giải thưởng này, người được trao tặng giải thưởng sẽ đến nhận giải tại Davenport. Tuy nhiên, do Thiền sư đang trong tình trạng hồi phục sức khỏe vì đột quỵ và tuổi cao nên Giám mục Martin Amos sẽ đến tu viện Lộc Uyển, nam California - Hoa Kỳ để trao giải thưởng đến Hòa thượng.

Được biết, các môn đệ của Thiền sư Thích Nhất Hạnh sẽ thay Hòa thượng nhận giải thưởng này vào ngày 31-10 tới đây, nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày Martin Luther King Jr. được trao giải này.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh được xem là người sáng lập Phật giáo Nhập thế (Socially Engaged Buddhism) và cũng là người khai sinh các phong trào và hoạt động thực tập chánh niệm ở phương Tây.

The Pacem in Terris Peace and Freedom Award - là giải thưởng hòa bình của Thiên chúa giáo được trao hàng năm, kể từ năm 1964 bởi Ủy ban Thiên chúa giáo Davenport nhằm “vinh danh nhân vật có thành tựu đối với các hoạt động hòa bình và công lý cho dân tộc và thế giới” - theo tờ Lion’s Roar.

Trần Trọng Hiếu

Thứ tư, 28 Tháng 10 2015 16:01

Sống chung với lũ

Có thì có tự mảy may
Không thì cả thế gian này cũng không
                                (Thiền sư Từ Đạo Hạnh)

“Sống chung với lũ”? – Tào lao, ở TP.HCM làm gì có lũ! Trước đây, tôi cũng nghĩ như thế, cho đến một hôm tôi trở về công ty sau chuyến đi xa; để mừng sếp, các cộng sự đã nhất loạt reo lên: “A, lũ về”(!). Thì ra, đối với cộng sự của mình, tôi là “lũ” mà họ đã phải sống chung…

Đã thế, cộng sự của tôi còn nói với nhau, giọng nửa đùa vửa thật: “Hãy chôn dấu nỗi buồn sâu kín, đừng để lộ ra mặt một cách quá đáng, vì đằng nào thì “lũ” cũng đã về rồi”. Tôi còn biết thêm, những lần tôi chào công ty ra sân bay, các cộng sự thường rù rì nhắc nhau: “đừng vui sớm, hãy đợi đến khi máy bay cất cánh đã, như thế niềm vui chúng ta mới trọn vẹn”. Tôi thật sự dở khóc dở cười trong hoàn cảnh này: khóc, vì mình là “lũ” trong mắt cộng sự mà không hề biết; cười, là vì biết muộn vẫn còn hơn không. Đâu phải sếp nào cũng may mắn được cộng sự nói cho mà biết mình là “lũ”!

Vừa qua, tôi lại càng biết thêm, tại các công ty do những người bạn của tôi làm chủ, công sự của họ đã nghĩ ra một cách giúp mọi người trong công ty được thư giãn là: lên kế hoạch rồi “ép” sếp đi công tác xa! Có nghĩa là chỉ cần một mình sếp đi vắng, tức thì sức khỏe của cả công ty được dồi dào. Từ thông tin đắt giá đó, tôi suy ra: A, nếu vậy mình không phải là “lũ” cá biệt!Cũng có thể tất cả chúng ta – những người chủ doanh nghiệp – đều là “lũ” lớn hoặc “lũ” nhỏ trong mắt cộng sự của mình. Ôi, lẽ nào những doanh nhân lịch lãm, bặt thiệp, duyên dáng, thân thiện,…như chúng ta mà lại đồng nghĩa với lũ ư?

Ai mà không muốn mình là dòng sông thơ mộng, êm đềm, lãng mạn trong mắt người khác? Ai mà không muốn mình là niềm vui ấm áp, là cơn gió thoảng, là bông hoa tươi thắm khi đến với những người chung quanh? Vì thế, khi nghe cộng sự gọi mình là lũ, chúng ta không khỏi suy nghĩ” Mình là lũ à? Lũ tự bao giờ? Và điều gì đã làm cho chúng ta trở thành lũ?

Những người trong hay ngoài giới kinh doanh đều biết rằng, để trở thành chủ doanh nghiệp, ngoài kiến thức kinh doanh cần phải có, doanh nghiệp còn phải hội tụ nhiều tố chất khác biệt: bản lĩnh, tiên phong, mạo hiểm, xông xáo, chấp nhận rủi ro và đứng mũi chịu sào trong mọi hoàn cảnh. Đã có không ít trường hợp xảy ra trong thực tế, khi doanh nghiệp bị khốn đốn, người nhận lương vỗ tay cái bép nhảy qua công ty khác, con người trả lương cũng nhảy, nhưng nhảy lầu! Như là một cái nghiệp (chướng) đeo mang, chủ doanh nghiệp luôn là người “cực trước – khổ sau”, thành công hay thất bại, họ đều khổ. Là bởi, họ luôn đặt mục tiêu thị phần ngày một lớn trên thương trường: doanh nghiệp còn nhỏ thì ấp ủ dành thị phần trong nước, lớn hơn tìm cách mon men đến các nước láng giềng rồi khao khát chiếm lĩnh thị trường thế giới! Nương theo tỷ lệ % chiếm được thị phần đó, thương hiệu doanh nghiệp, thương hiệu các nhân của họ cũng tỏa sáng theo. Chính vì vậy, những người chủ khổ triền miên, khổ lâu dài, chỉ vì ít khi ngoái lại phía sau, lại nhiều hồ hởi tiến về phía trước.

Người có tố chất làm chủ khát vọng của họ cuồn cuộn như sóng lũ trào dâng. Họ tự đặt ra mục tiêu, rồi gạch từ điểm xuất phát đến đích một đường thẳng rất bén xong bươn bã đi tới. Cũng như lũ, từng cơn lớn nhỏ khác nhau, các chủ doanh nghiệp cũng vậy. Người có của do cha mẹ để lại, con đường đi tới thành công thường ngắn và bằng phẳng; người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn muốn khẳng định được thương hiệu phải trải qua cay nghiệt hơn.

Không ít người, để đạt mục tiêu, họ gạt chướng ngại, dẹp chông gai… đã đã đành, nhưng cũng đôi khi họ vô tình đạp lên cả hoa hồng và cỏ mượt – dù đó là điều mà không ai trong số họ muốn mắc phải. Trên đường vươn tới, người họ trầy xước, chân họ rướm máu, tai họ không nghe chim hót, mắt họ không thấy hoa nở…; họ đã phần nào giống bản chất của lũ – cuốn phăng đi mọi thứ khi nó lướt qua.
Không ít lần “lũ” trăn trở: liệu chúng ta, những người chủ doanh nghiệp, không là “lũ” nữa có được không? Vì là “lũ” có sung sướng gì đâu, “hoàn cảnh” lắm. Nhưng ngày qua ngày, những người chủ doanh nghiệp phải hoạt động trong môi trường mà sự cạnh tranh, đào thải, sang lọc rất khắc nghiệt, muốn không là “lũ” cũng chẳng dễ dàng gì.

Hơn nữa, trong hoàn cảnh hiện nay của đất nước: nền kinh tế thị trường còn rất sơ khai, môi trường đầu tư kinh doanh chưa thuận lợi, đội ngũ doanh nhân còn non tay nghề (bởi thời gian đổi mới chưa dài), đã thế vốn thì thiếu, lực lại yếu; tất cả những điều đó đã dẫn đến số doanh nghiệp đủ tầm cỡ để cạnh tranh trong thời hội nhập chưa có bao nhiêu, số doanh nghiệp thoát ra được cái vòng lẩn quẩn của bản ngã cũng chưa phải là nhiều. Và như thế thì “lũ” trong thương trường còn nhiều lắm, người này là “lũ” của người kia, người kia lại là “lũ” của người nữa…

Nếu trong mắt ai đó thấy những người chủ doanh nghiệp có lúc giống như lũ thì hãy động lòng thương cảm, bởi bản thân của họ đã phải thường xuyên dậy sóng ba đào.

Áy náy vì các cộng sự phải chịu đựng cảnh sống chung với “lũ”; mà “lũ” lại là mình, tôi xuống giọng nhẹ như gió thoảng, khẽ khàng nói với họ: “Thôi, từ nay sếp không là “lũ” nữa, sếp hứa cố gắng trở thành dòng song thơ mộng, trong vắt, hiền hòa trong mắt mọi người…”. Và tôi thật sự bất ngờ khi nghe cộng sự của mình phản ứng:”Dạ, thôi sếp, trước sao giờ vậy! Doanh nghiệp của mình đang yên ổn làm ăn, biết đâu sự thay đổi của sếp làm cho nó lận đận, lao đao? Vả lại, mọi người cũng đã sống quen với lũ rồi, giờ sếp đổi “e”, lành dữ khó lường, cộng sự biết đâu mà né”. Bởi vậy, muốn không là “lũ” nữa, đâu có dễ.

Có giải pháp nào giúp chủ doanh nghiệp vẫn hoạt động trong thương trường nhưng không phải thường xuyên dậy sóng ba đào không? Câu trả lời là “không”, bởi khát vọng ngày mai phải giàu hơn ngày hôm nay đã là bản chất của “lũ”. Câu trả lời là “có” nếu giới chủ biết quay về cư trú trong nhà của Phật, học cách nhìn đồng tiền cả hai mặt có và không : “có” thì có tự mảy may/”không” thì cả thế gian này cũng không! ■

TẠ THỊ NGỌC THẢO | Tạp Chí Văn Hóa Phật Giáo số 64

Thứ tư, 28 Tháng 10 2015 15:59

Ý nghĩa căn bản của giới luật

Giới hạnh (sila) không những là yếu tố không thể thiếu trong hành trình giác ngộ giải thoát, mà còn là nhu cầu thiết yếu cho mọi sinh hoạt tốt đẹp trên đời. Giới là nền móng vững chắc để ngôi nhà thiền định (samadhi) và trí tuệ (panna) được xây dựng hoàn mỹ. Một lâu đài không thể xây trên cát mà không cần nền móng vững chắc. Cũng vậy, không có giới hạnh chắc chắn không có thiền định và trí tuệ. Không có trí tuệ làm sao có giác ngộ giải thoát?

Tuy nhiên, chúng ta cần tìm hiểu ý nghĩa đích thực của giới là gì, nếu không dù bạn cố gắng giữ gìn giới luật thật nghiêm ngặt vẫn không thể nào phát sinh thiền định và trí tuệ. Thậm chí, nhiều khi giới còn gây trở ngại cho việc phát huy thiền định và trí tuệ nữa. Giới, định, tuệ tuy ở ba phương diện khác nhau, nhưng luôn phối hợp chặt chẽ và hỗ trợ với nhau trong mọi pháp môn tu tập. Giới, định, tuệ cũng có chung nhiều yếu tố thiện pháp, trong đó nổi bật nhất là chánh niệm và sự thận trọng (appamada).

Giới mà chúng ta nói ở đây không phải là những quy điều bắt buộc được đặt ra một cách chủ quan theo ý riêng của một hay nhiều người có thẩm quyền, như vua chúa, giáo chủ hay bất cứ nhà làm luật nào. Cũng không phải là những quy định mà mỗi người đặt ra để tự ràng buộc vì lợi ích của chính mình.

Khi sống thành gia đình, đoàn thể, cộng đồng,quốc gia hay một tổ chức xã hội theo bất cứ mô hình chính trị nào, tất nhiên phải có luật lệ để giữ gìn an ninh trật tự cho đời sống an bình hạnh phúc của mọi người. Cho nên dù tự nguyện hay bị bắt buộc thì mọi người cũng phải tuân theo luật định vì quyền lợi và bổn phận của mỗi thành viên trong cộng đồng xã hội.

Tuy nhiên, không có luật lệ nào hoàn hảo, vì bản chất của luật lệ thường được quy định dưới hình thức cấm đoán, để ngăn ngừa hay chặn đứng những hành vi gây tổn hại hoặc đối phó với tình trạng bất ổn trong đời sống cộng đồng mà thôi. Không chỉ những cấm đoán khắt khe của những bạo chúa hay những kẻ độc tài, ngay cả những luật lệ tốt nhất cũng chỉ tốt đối với người này mà không tốt cho người kia, hợp mỗi thời, không hợp mọi lúc. Luật lệ có vẻ như để nhiếp phục người xấu, bảo vệ người tốt, nhưng nhiều khi người xấu chưa chế ngự được mà người tốt đã bị thiệt thòi không nhỏ.

Giới luật mà Đức Phật chế định được các nhà làm luật đánh giá là rất khoa học, công bằng, dân chủ và mang tính nhân bản rất cao. Khi đi sâu hơn vào nội dung tinh yếu nhất của một số giới luật, chúng ta còn nhận ra được ý nghĩa thâm sâu hơn nữa, có thể gọi đó là tính siêu nhân bản hay siêu phàm nhập thánh. Tuy nhiên trên phương diện tục đế, dù là giới luật nhà Phật vẫn không tránh khỏi tính bất toàn như đã nói trên. Phần lớn những giới luật loại này không mang tính cốt lõi, chỉ tùy duyên ứng xử mà thôi.

Như vậy, chúng ta cần phân ra các loại giới luật khác nhau được chế định phù hợp với nhiều tính chất, tình huống và hoàn cảnh khác nhau, như sau:

-Do người đời chê trách.

-Để ngăn ngừa hành động và nói năng tai hại.

-Vì lợi ích đời sống tập thể.

-Để giúp thoát khỏi những sai lầm bất thiện.

-Làm cho thanh tịnh thân khẩu.

-Làm nền tảng cho sự phát triển định tuệ.

Ba điều trước có liên quan đến người khác trong cộng đồng, nên đó là cách xử thế bên ngoài. Ba điều sau hướng về hoàn thiện chính mình, nên có tính đối nội và là cốt lõi trong giới luật Phật giáo.

Mặt khác, giới còn có hai phương diện: hữu hạn và vô hạn. Giới hữu hạn là một số giới điều cố định cho từng bậc hành khác nhau. Ví dụ, năm giới, tám giới dành cho Phật tử tại gia. Giới xuất gia dành cho Sa-di, Tỳ-kheo và Tỳ-kheo-ni. Giới vô hạn bao gồm tất cả biểu hiện tốt đẹp của thân hành qua nói năng và hành động. Nói chung, dù hữu hạn hay vô hạn, giới thường được gọi tên theo tác dụng hay ý nghĩa của nó, chẳng hạn như điều học, hành vi đạo đức, sự tự chủ, sự thanh tịnh v.v..

Giới là điều học vì qua đó, nếu khéo quan sát, chúng ta học được tình trạng, tính chất và động lực thúc đẩy đằng sau của mỗi hành vi đạo đức hoặc phi đạo đức. Nghĩa là chúng ta có thể học ra từ những điều học này nguyên nhân, điều kiện và hậu quả của những hành vi bên ngoài đang biểu hiện qua hành động, nói năng. Nhờ những điều học đó mà sự tinh tấn và chánh niệm được chính xác hơn. Đáp lại, chánh tinh tấn và chánh niệm giúp chúng ta hiểu thấu ý nghĩa đích thực của giới, làm cho giới được trong sạch và vô hạn, không để cho hành vi rơi vào máy móc hay quán tính vô thức.

Giới là hành vi đạo đức nhưng không có nghĩa là những mẫu mực cố định mang tính giáo điều để quy định khuôn khổ một hành vi đạo đức phải như thế nào, mà chỉ đưa ra những gợi ý nhằm gây ý thức cảnh giác để ngăn ngừa, chế ngự hoặc từ bỏ hành vi phi đạo đức mà thôi. Quy định một hành vi hiền thiện như thế nào khác hẳn với việc học hỏi có ý thức để từ bỏ một hành vi xấu ác. Bởi vì, một khi hành vi tốt đã bị quy định trong khuôn khổ thì không còn là hành vi thật sự tốt nữa, nó chỉ còn là một sự bắt buộc hoặc bắt chước, không phát xuất từ ý thức tự do. Một hành vi đạo đức thật sự thì tự do và vô hạn.

Giới là sự phòng hộ giống như áo giáp để phòng thân có thể ngăn ngừa những tai hại đến từ bên ngoài. Khi chúng ta khéo tránh những hành vi bất thiện, không để cho thân buông theo khuynh hướng xấu của bản năng hay tình cảm thì chắc chắn chúng ta tránh được vô số hiểm họa như bệnh tật, tai ương, thù oán, nợ nần hay nghiện ngập…

Giới là sự thận trọng, vì hành động đạo đức chỉ được hoàn hảo khi có sự cẩn thận, khéo léo, kỹ lưỡng, nghiêm túc trong mọi hành vi. Những người không buông lung hời hợt, tuy họ hành động tự nhiên nhưng rất có kỷ cương, chính xác, chuẩn mực và đạo đức. Họ rất tinh tường trong giới luật cho dù có thể họ không biết đến một hệ thống luật lệ nào. Họ có phong thái rất chững chạc nhưng không hề cố ý tạo ra một mẫu phong cách riêng nào cho mình cả. Chuẩn mực của họ không phải là khuôn mẫu cố định nào mà chính là sự thận trọng, tinh tế, cẩn mật, chu toàn và luôn mới mẻ trong từng hành động nhỏ nhặt nhất hàng ngày.

Giới là sự tự chủ vì những điều học nhắc nhở chúng ta biết dừng lại đúng lúc, biết tự điều chỉnh hành vi của mình, và biết trường hợp nào cần tự chế, tiết giảm hay điều độ. Thái quá hay vượt qua giới hạn cho phép là thái độ sống buông thả, thiếu kỷ cương và kém hiểu biết, kết quả không những chuốc họa vào thân mà còn vạ lây người khác. Sự chế ngự giác quan khi thấy, nghe, ngửi, nếm, xúc chạm…cũng là một hình thức tự chủ của giới. Nói chung, về phương diện tự chủ, giới giúp chúng ta không sống phóng túng cẩu thả theo bản năng thể xác, không hành động buông lung theo quán tính vô thức.

Giới là sự thanh tịnh vì nó làm lắng dịu những phiền não thô thiển biểu hiện qua hành động và lời nói. Những người có thể tự chế thân khẩu thì giác quan của họ cũng được thanh tịnh khi tiếp xúc với hoàn cảnh xung quanh. Đây là hệ quả của sự tự chủ, như đã nói trên, được gọi là giới thanh tịnh do chế ngự các giác quan.

Giới là sự giải thoát vì một khi tránh được điều sai xấu nào thì chúng ta không bị sa lầy hay trói buộc trong diễn biến nhân quả của hành vi tai hại đó. Nhờ giới, chúng ta không bị ray rứt, nóng nảy, giày vò của những mặc cảm tội lỗi , mà còn giúp chúng ta thoát được biết bao hậu quả thảm hại do những hành động, nói năng sai trái gây nên.

Nếu giữ giới đúng như những ý nghĩa vừa nêu thì vô cùng lợi ích mà không hề bị ràng buộc. Tuy nhiên, như chúng ta đã nói, nếu không hiểu được ý nghĩa và nội dung đích thực của giới luật nói chung và từng điều học nói riêng thì giới trở thành những ràng buộc vô ích, thậm chí có hại về nhiều mặt. Lúc bấy giờ giới chỉ còn là:

  • Một sự phô trương hay trang điểm bề ngoài.
  • Những khuôn sáo khô chết làm suy yếu hành động mới mẻ sáng tạo
  • Những phong cách giả dối thiếu tự nhiên.
  • Những ảo tưởng tự tôn hoặc tự ti về hành vi đạo đức của mình.
  • Sự ức chế, dồn nén làm phát sinh biến chứng tâm lý và sinh lý bất thường.
  • Những con bài lận của lắm kẻ lừa đảo.

Chúng ta đã nói có hai loại giới là hữu hạn và vô hạn phù hợp với hai hạng người giữ giới tương ứng: Hạng hành giả thiên về tinh tấn hoặc đức tin dễ dàng “y giáo phụng hành”những quy củ, mực thước đã được các bậc thầy đáng tin cậy quy định sẵn cho họ. Họ không đủ tự tin và sáng suốt để biết mình nên làm già và không nên làm gì, nên nếu ai đó có thể chỉ cho họ biết cách làm thế nào thì họ sẵn sàng tuân thủ vì cảm thấy dễ dàng hơn.

Hạng hành giả thiên về trí tuệ do thường xem xét thận trọng, quan sát rõ ràng hành động của mình, có thể tự phát hiện cái đúng, cái sai, cái xấu, cái tốt một cách tinh tế, tự nhiên trong từng hành vi cử chỉ của mình. Họ cũng tự biết làm thế nào để điều chỉnh ngay tại chỗ những khiếm khuyết mà không cần áp dụng theo một khuôn mẫu đạo đức nào có sẵn dưới dạng giới luật. Hạng trí giả này thích hợp với giới vô hạn.

Trên thực tế, hạng người thiện tri thức rất ít so với hạng đức tin và tinh tấn, trong khi đó hạng đức tin và tinh tấn lại còn ít hơn rất nhiều so với hạng người buông lung, phóng túng, mệ muội. Vậy luật lệ, quy tắc, mẫu mực, khuôn định v.v..là điều không thể thiếu trong xã hội loài người, nếu không cuộc đời không mấy chốc sẽ biến thành địa ngục trần gian. Đó cũng là lý do tại sao Đức Phật phải chế định giới luật trong khi Ngài biết rất rõ rằng không cần bất kỳ khuôn định nào giới hạnh vẫn có thể hoàn hảo. Trong quá khứ có nhiều vị Phật không ban hành giới điều nào vì Tăng chúng của các Ngài rất tinh tường giới vô hạn.

Ngày nọ, một vị Tỳ-kheo đến tu tập trong một ngôi chùa có vị nữ thí chủ là bậc thánh có tha tâm thông. Vị ấy e ngại không thể giữ trọn quá nhiều giới luật như vây. Vị thí chủ có thể sẽ biết được mình có sai phạm giới điều nhỏ nhặt nào mà mình không nhớ thì sao. Để tháo gỡ gút mắc này, Đức Phật hỏi vị Tỳ-kheo nếu giữ một điều thôi có nhớ được không. Vị ấy phấn khởi chấp nhận. Đức Phật dạy vị ấy chỉ cần canh chừng cẩn mật cái tâm thôi là được. Và chẳng bao lâu vị ấy hoàn toàn giác ngộ.

Vì vậy, bên cạnh giới luật hữu hạn đã được ban hành cho phù hợp với hoàn cảnh xã hội, thời gian và trình độ của mỗi người, Đức Phật còn dạy giới vô hạn cho những ai có thể tự mình sống trong tinh tấn, chánh niệm, tỉnh giác. Hay nói cách khác, một người đang giữ giới hữu hạn, chỉ cần thường thận trọng, chú tâm quan sát tỏ tường ngay nơi hành động nói năng của mình, thì khi đó giới hữu hạn tự trờ thành vô hạn. Nghĩa là lúc đó người đó có thể không nhớ bao nhiêu giới cần phải giữ nhưng mọi hành vi cử chỉ của anh ta đều thuận theo giới luật. Và đó chính là bước chuyển hóa từ giới tục để sang giới chân đế.

Đức Phật biết rất rõ mức độ nhận thức của mỗi người nên để giúp họ có thể tự giác Ngài đã không ngần ngại sử dụng cả hai phương tiện tục đế lẫn chân đế. Giới hữu hạn dựa trên khái niệm đã được chế định sẵn, trong lãnh vực tục đế; còn giới vô hạn dựa vào thực tánh của sự kiện đang diễn ra, trong lãnh vực chân đế. Trong giới hữu hạn,khái niệm sai đối chiếu với khái niệm đúng đã được ấn định. Trong giới vô hạn chỉ có thể thấy đúng hoặc sai ngay nơi bản chất của sự việc chứ không có khái niệm nào để so sánh. Vì vậy,tuy sống trong giới hạnh bạn vẫn tự do không có gì ràng buộc.

Ví dụ, ở Anh bạn đi bên trái, còn ở Mỹ bạn đi bên phải mới đúng. Khái niệm về sự đúng hay sai hoàn toàn do quy định của con người, chí có giá trị tương đối. Tuy vậy, nếu bạn không tuân thủ thì có thể xảy ra tai nạn chết người. Đó là cái đúng hữu hạn. Trong khi nếu bạn bị trượt chân, bạn sẽ tự động gượng lại để giữ thăng bằng. Bạn thấy sai ngay lập tức và điều chỉnh nó một cách tự nhiên ngay nơi thực trạng của sự kiện mà không cần phải mất thời gian so sánh với bất cứ khái niệm đúng nào. Đó là cái đúng vô hạn.■

Lời Phật trong đời sống | Viên Minh

Tạp Chí Văn Hoá Phật Giáo số 91

Thứ tư, 28 Tháng 10 2015 15:50

6 nguyên tắc sống chung an lạc

Cho đến nay, Tăng già Phật giáo là một đoàn thể xã hội tồn tại hơn 25 thế kỷ và có những đóng góp lợi lạc cho cuộc đời. Ngoài chức năng một cơ cấu tổ chức bảo đảm cho mỗi thành viên theo đuổi đời sống tu tập an ổn với mục đích thực nghiệm cứu cánh giải thoát, Tăng già còn là nơi nương tựa tinh thần rất lớn cho quần chúng, thể hiện qua nếp sống giới đức thanh tịnh, thái độ tương ái, tương kính, hòa đồng giữa các thành viên và tinh thần chia sẻ hiểu biết chánh pháp đối với mọi người. Đặc điểm lợi lạc của Tăng già do Đức Phật thành lập có thể thấy rõ qua lòi xưng tán: “Diệu hạnh là chúng đệ tử Thế Tôn, chơn chánh hạnh là chúng đệ tử Thế Tôn. Chúng đệ tử của Thế Tôn là đáng cung kính, đáng tôn trọng, đáng cúng dường, đáng được chắp tay, là phước điền vô thượng ở đời”.

Vậy nguyên tắc nào để mỗi thành viên tìm thấy tiến bộ lợi ích trong đời sống Tăng già và để một đoàn thể bao gồm những con người cao quý như vậy được duy trì ổn định và vận hành có hiệu quả? Đức Phật chỉ cho chúng ta rằng có sáu cách hay sáu nguyên tắc để sống chung an lạc mà mỗi thành viên cần thể hiện trong đời sống tập thể. Đó là:

  1. An trú từ thân hành đối với các vị đồng Phạm hạnh cả trước mặt lẫn sau lưng.
  2. An trú từ khẩu hành đối với các vị đồng Phạm hạnh cả trước mặt lẫn sau lưng.
  3. An trú từ ý hành đối với các vị đồng Phạm hạnh cả trước mặt lẫn sau lưng.
  4. San sẻ với các vị đồng Phạm hạnh những lợi ích vật chất mà mình có được.
  5. Tuân thủ và thực hành đầy đủ các giới luật.
  6. Thành tựu tri kiến liên quan đến mục tiêu giải thoát khổ đau.

Sáu nguyên tắc trên nói rõ nếp sống tu học hướng thiện của mỗi Tỳ-kheo thành viên, gián tiếp tạo nên nếp sống tương ái, tương kính, hòa đồng, hòa hợp, nhất trí trong tổ chức Tăng già. Đáng chú ý rằng khi mỗi thành viên của Tăng già thể hiện đầy đủ sáu nguyên tắc này trong đời sống tập thể thì bản thân người ấy sẽ tìm thấy tiến bộ lợi ích an lạc, đồng thời góp phần tạo nên không khí lợi ích an lạc ở trong Tăng già. Một nếp sống vừa lợi mình vừa lợi lạc cho tập thể như vậy rất đáng cho chúng ta chiêm nghiệm, nhất là trong môi trường sống vốn có nhiều tương quan, không thể tách rời, của con người và xã hội ngày nay. Chúng ta nghe Đức Phật khuyên dạy về nếp sống lợi lạc ấy(1):

“Có sáu pháp cần phải ghi nhớ này, này các Tỷ-kheo, tạo thành tương ái, tạo thành tương kính đưa đến hòa đồng, đưa đến không tranh luận, hòa hợp, nhất trí. Thế nào là sáu?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo an trú từ thân hành đối với các đồng Phạm hạnh, trước mặt lẫn sau lưng. Đây là pháp cần phải ghi nhớ, tạo thành tương ái, tạo thành tương kính, đưa đến hòa đồng, không tranh luận, hòa hợp, nhất trí.

Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo an trú từ khẩu hành đối với các vị đồng Phạm hạnh cả trước mặt lẫn sau lưng. Đây là pháp cần phải ghi nhớ, tạo thành tương ái, tạo thành tương kính, đưa đến hòa đồng, không tranh luận, hòa hợp, nhất trí.

Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo an trú từ ý hành đối với các vị đồng Phạm hạnh cả trước mặt lẫn sau lưng. Đây là pháp cần phải ghi nhớ, tạo thành tương ái, tạo thành tương kính, đưa đến hòa đồng, không tranh luận, hòa hợp, nhất trí.

Lại nữa, này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo đối với các lợi dưỡng đúng pháp, nhận được đúng pháp, cho đến những đồ vật nhận được chỉ trong bình bát, vị ấy không phải là người không san sẻ các đồ vật nhận được như vậy, phải là người san sẻ dùng chung với các vị đồng Phạm hạnh có giới đức. Đây là pháp cần phải ghi nhớ, tạo thành tương ái, tạo thành tương kính, đưa đến hòa đồng, không tranh luận, hòa hợp, nhất trí.

Lại nữa, này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo đối với các Giới Luật không bị bể vụn, không bị sứt mẻ, không bị vết chấm, không bị uế nhiễm, giải thoát, được người trí tán thán, không bị chấp thủ, đi đến Thiền định, Tỷ-kheo sống thành tựu Giới Luật trong các Giới Luật ấy đối với các vị đồng Phạm hạnh cả trước mặt lẫn sau lưng.

Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo đối với các tri kiến thuộc bậc Thánh, có khả năng hướng thượng, khiến người thực hành chơn chánh diệt tận khổ đau, Tỷ-kheo sống thành tựu tri kiến với các tri kiến như vậy đối với các vị đồng Phạm hạnh, cả trước mặt lẫn sau lưng.

Đây là sáu pháp cần phải ghi nhớ, này các Tỷ-kheo, tạo thành tương ái, tạo thành tương kính, đưa đến hòa đồng, đưa đến không tranh luận, hòa hợp, nhất trí”.■

Tâm Độ | Tạp Chí Văn Hoá Phật Giáo số 83


Chú thích: (1) Kinh Cần phải nhớ, Tăng Chi Bộ

Thứ tư, 28 Tháng 10 2015 15:46

Những điều cần biết khi hành Thiền

Một số người có vấn đề như buồn nản, sợ hãi vô lý hay có biểu hiện của bệnh tâm thần, họ nghĩ rằng Thiền là một phương cách điều trị tức thời cho những vấn đề của họ. Họ bắt đầu hành thiền, và đôi khi vấn đề của họ trở nên tồi tệ hơn. Nếu bạn có vấn đề như thế, bạn nên tìm sự  giúp đỡ của một vị thầy có kinh nghiệm hoặc chuyên gia tâm lý; sau khi bạn cảm thấy khá hơn, bạn mới nên hành thiền…

Thiền là gì?

Thiền là một nỗ lực có ý thức để làm thay đổi sự vận hành của tâm. Tiếng Phạn là”Bhavana”, nghĩa là tâm”tăng trưởng”hay”phát triển”.

Thiền có quan trọng không?

Vâng, Thiền rất quan trọng. Cho dù chúng ta muốn tốt đẹp bao nhiêu, cũng khó mà thay đổi tâm ý, nếu chúng ta không thể thay đổi những tham dục vốn đã tạo nên cách hành xử của chúng ta. Ví dụ, một người có thể nhận ra rằng mình hay nóng nảy với vợ, và anh ấy tự hứa”Từ đây về sau, tôi sẽ không nóng nảy như thế’. Nhưng một giờ sau, anh ấy vẫn có thể la mắng vợ mình, đơn giản là anh ấy không tự biết mình, sự nóng nảy đã bùng phát mà anh không biết được. Hành thiền giúp phát triển sự tỉnh thức và năng lực cần thiết để chuyển hóa các thói quen đã ăn sâu vào tâm ý.

Tôi nghe nói rằng, hành thiền có thể rất nguy hiểm. Điều này có đúng không?

Chúng ta cần có muối để sống, nhưng nếu bạn ăn một ký lô muối, thì nó sẽ giết bạn. Để sống trong thế giới hiện đại, bạn cần xe ô tô, nhưng nếu bạn không tuân theo luật giao thông, hay trong lúc lái xe, bạn lại say rượu, thì xe ô tô trở thành cái máy nguy hiểm. Hành thiền cũng giống như thế, nó cần thiết cho sự an lạc tinh thần, nhưng nếu bạn thực hành một cách hời hợt, thiếu phương pháp, nó sẽ tạo ra nhiều vấn đề. Một số người có vấn đề như buồn nản, sợ hãi vô lý hay có biểu hiện của bệnh tâm thần, họ nghỉ rằng thiền là một phương cách điều trị tức thời cho những vấn đề của họ. Họ bắt đầu hành thiền , và đôi khi vấn đề của họ trở nên tồi tệ hơn. Nếu bạn có vấn đề như thế, bạn nên tìm sự giúp đỡ của một vị thầy có kinh nghiệm hoặc chuyên gia tâm lý; sau khi bạn cảm thấy khá hơn, bạn mới nên hành thiền. Một số người khác, khi hành thiền lại cố gắng quá mức, thay vì hành thiền từng bước một, họ lại thực hành với quá nhiều năng lực và chằng bao lâu họ kiệt sức.

Nhưng có lẽ phần lớn những vấn đề trong khi hành thiền xảy ra là do loại thiền”Kang-ga-ru”hay “thiền chạy nhảy” (Kangaroo, Đại thử, một loài thú có túi trước bụng đặc biệt ở Úc, có thể nhảy xa bằng hai chân sau rất khỏe). Một số người đi đến một vị thầy để học thiền rồi áp dụng phương pháp thiền của vị ấy trong một thời gian; sau đó, họ đọc sách rồi quyết định thực hành theo sự chỉ dẫn trong sách; một tuần sau, có một thiền sư nổi tiếng viếng thăm thành phố của họ và họ quyết định phối hợp một số lời dạy của vị ấy vào trong việc tu thiền của họ; và chẳng lâu sau đó, họ rơi vào tình trạng hoang mang, thất vọng. Chạy nhảy giống như con Kang-ga-ru, từ một phương pháp này sang một phương pháp nọ, là một việc làm sai lầm.

Dù sao, nếu bạn không có vấn đề bệnh tâm thần; và bạn hành thiền cũng chừng mực. Thiền là một trong những điều tốt nhất mà bạn có thể tự làm cho chính mình.

Có bao nhiêu phương pháp hành thiền?

Đức Phật dạy nhiều pháp hành thiền khác nhau, mỗi pháp để đối trị một vấn đề đặc biệt, hay để phát triển một trạng thái tâm lý đặc biệt. Tuy nhiên, hai pháp thiền phổ thông và hữu dụng nhất là Quán niệm hơi thở (anapana sati) và Quán từ bi (metta bhavana).

Làm thế nào để hành thiền Quán niệm hơi thở?

Bạn làm theo bốn bước đơn giản: chọn nơi thanh tĩnh, thoáng mát, giữ tư thế ngồi, theo dõi hơi thở, và đối phó những trở ngại. Trước hết, bạn tìm một nơi thích hợp, có thể một căn phòng không ồn ào và tại nơi đó, bạn không bị quấy rầy. Thứ hai, ngồi trong tư thế thoải mái. Tư thế tốt nhất là ngồi với chân xếp lại, dưới mông có kê một cái gối, lưng thẳng, hai bàn tay xếp lên nhau đặt lên bắp đùi, và nhắm mắt lại. Cách khác, bạn có thể ngồi trên ghế nhưng cần phải giữ lưng cho thẳng.

Bước tiếp theo là phần thực hành. Trong lúc ngồi yên tịnh với mắt nhắm lại, bạn tập trung vào sự chuyển động của hơi thở vào và hơi thở ra. Thực hiện điều này bằng cách đếm hơi thở hay theo dõi sự phồng xẹp của bụng. Trong khi hành thiền, vài vấn đề khó khăn có thể sinh khởi. Bạn có thể thấy ngứa ngáy khó chịu trong cơ thể hay đau nhức ở đầu gối. Nếu điều này xảy ra, hãy cố gắng giữ cơ thể thư giản, không nhúc nhích và tiếp tục để tâm vào hơi thở. Có thể sẽ có nhiều ý nghĩ xuất hiện ở tâm bạn và làm xao lãng việc chú tâm vào hơi thở. Cách duy nhất để xử lý vấn đề này là phải kiên nhẫn để tiếp tục đem tâm trở lại với hơi thở. Nếu bạn tiếp tục làm như thế, cuối cùng, các ý nghĩ kia sẽ yếu đi, việc định tâm của bạn sẽ mạnh hơn, và bạn sẽ có được những giây phút đi sâu vào sự an lạc và thanh tịnh nội tâm.

Tôi nên hành thiền bao lâu?

Tốt nhất là hành thiền mỗi ngày 15 phút trong một tuần đầu; rồi gia tăng thêm 5 phút mỗi tuần, cho đến khi bạn có thể hành thiền trong 45 phút. Sau vài tuần lễ hành thiền đều đặn mỗi ngày như thế, bạn sẽ bắt đầu thấy việc định tâm trở nên tốt hơn, những ý tưởng tán loạn sẽ giảm dần và bạn sẽ có những giây phút an hòa và tĩnh lặng thật sự.

Còn Quán từ bi thì sao? Phương cách thực hành như thế nào?

Khi bạn quen thuộc với pháp thiền Quán niệm hơi thở và thực hành đều đặn rồi, bạn có thể bắt đầu hành thiền Quán từ bi. Pháp hành này nên thực hiên hai hay ba lần mỗi tuần, sau khi bạn hành thiền Quán niệm hơi thở. Trước tiên, bạn chú tâm vào chính mình và tự hỏi những lời như:”Xin cho tôi được khỏe mạnh và hạnh phúc. Xin cho tôi được bình an và tĩnh lặng. Xin cho tôi thoát khỏi mọi hiểm nguy. Xin cho tâm tôi không còn sân hận. Xin cho tâm tôi tràn đầy tình thương. Xin cho tôi được khỏe mạnh và hạnh phúc”. Sau đó, bạn nghĩ đến những người khác, từng người một, từ người thân thương cho đến những người bạn bình thường nghĩa là người mình không thương mà cũng không ghét, và cuối cùng là đến những người mà mình không ưa thích; ước nguyện cho họ an vui như bạn đã ước nguyện cho chính mình.

Pháp hành thiền Quán từ bi này có lợi ích gì?

Nếu bạn thực hành thiền Quán từ bi này một cách đều đặn với thái độ đúng đắn, bạn sẽ thấy trong người bạn có nhiều thay đổi tích cực. Bạn sẽ thấy mình có thể chấp nhận và tha thứ cho chính mình. Bạn sẽ thấy tình cảm dành cho người mình thương gia tăng thêm. Bạn sẽ thấy mình thân thiện hơn với người mà trước đây mình thờ ơ và không quan tâm; và bạn sẽ thấy những ác ý hay sân hận mà bạn đã có với người nào đó nay sẽ giảm đi, và cuối cùng sẽ tan biến. Thỉnh thoảng, nếu bạn biết ai đó đang lâm bệnh, buồn khổ hay gặp khó khăn, bạn có thể nghĩ đến họ trong lúc hành thiền từ bi, và thường thì bạn sẽ thấy tình cảnh của họ được cải thiện.

Điều ấy có thể xảy ra như thế nào?

Tâm ý khi được phát triển đúng đắn, là một công cụ rất hùng mạnh. Nếu chúng ta biết tập trung năng lực tinh thần và hướng nó đến người khác, nó có thể có ảnh hưởng đến họ. Hẳn bạn đã có kinh nghiệm như thế. Có thể bạn đang ở trong một phòng đông người và bạn có cảm giác rằng ai đó đang chú ý đến mình. Bạn xoay một vòng xem và biết chắc là ai đang nhìn chằm chằm vào mình. Điều này đã xảy ra khi bạn bắt được năng lực tinh thần của  người khác. Thiền Quán từ bi cũng giống như vậy. Chúng ta hướng năng lực tích cực của tinh thần tới người khác và dần dần sẽ chuyển hóa được họ.

Tôi có cần một vị thầy hướng dẫn hành thiền không?

Một vị thầy thì không tuyệt đối cần thiết, nhưng có được một sự hướng dẫn cá nhân của một người có kinh nghiệm hành thiền thì chắc chắn có lợi ích. Bạn hãy cố gắng tìm một vị thầy có tiếng tốt, có nhân cách thăng bằng và trung thành với những lời Phật dạy.

Tôi nghe nói rằng, Thiền định ngày nay được các chuyên gia về tâm thần, và các nhà tâm lý học  áp dụng rộng rãi. Điều đó có đúng không?

Vâng, đúng như thế. Ngày nay Thiền được chấp nhận như có một ảnh hưởng cao cấp để trị liệu tâm thần, và được nhiều chuyên gia về sức khỏe tâm thần sử dụng, để giúp làm thư giản, vượt qua những ám ảnh và mang đến tĩnh thức cho chính mình. Sự hiểu biết thâm sâu của Đức Phật về tâm ý nhân loại đang giúp rất nhiều cho con người hôm nay, cũng giống như Ngài đã từng giúp cho con người thời xưa.

Tỳ kheo DHAMMIKA |  Bình An Sơn lược dịch | Tạp Chí Văn Hóa Phật Giáo số 10

(Trích từ Good Question, Good Answer)

«Bắt đầuLùi12345678910Tiếp theoCuối»
Trang 8 trong tổng số 12

Ảnh Đẹp

2 2.jpg
  • MP3 Nghe Nhiều

  • Tin Mới

  • Tin Đọc Nhiều

Suy Niệm Lời Phật Dạy

Sududdasa.m sunipuna.m yatthakaamanipaatina.m
Citta.m rakkhetha medhaavii citta.m gutta.m sukhaavaha.m.

The mind is very hard to perceive,
extremely subtle, flits wherever it listeth.
Let the wise person guard it;
a guarded mind is conducive to happiness

Tâm tế vi, khó thấy,
Vun vút theo dục trần,
Người trí phòng hộ tâm,
Phòng tâm thì an lạc.
(PC 36)

Kẻ đam mê ái dục,
Say đắm theo lục trần,
Tuy mong cầu an lạc,
Sanh tử vẫn hoại thân.
(PC 341)

Chiến thắng gây thù hận,
Thất bại chuốc khổ đau,
Từ bỏ mọi thắng bại,
An tịnh liền theo sau
(PC 201)

Sududdasa.m sunipuna.m yatthakaamanipaatina.m
Citta.m rakkhetha medhaavii citta.m gutta.m sukhaavaha.m.

The mind is very hard to perceive,
extremely subtle, flits wherever it listeth.
Let the wise person guard it;
a guarded mind is conducive to happiness

Tâm tế vi, khó thấy,
Vun vút theo dục trần,
Người trí phòng hộ tâm,
Phòng tâm thì an lạc.
(PC 36)

Kẻ đam mê ái dục,
Say đắm theo lục trần,
Tuy mong cầu an lạc,
Sanh tử vẫn hoại thân.
(PC 341)

Chiến thắng gây thù hận,
Thất bại chuốc khổ đau,
Từ bỏ mọi thắng bại,
An tịnh liền theo sau
(PC 201)

Sududdasa.m sunipuna.m yatthakaamanipaatina.m
Citta.m rakkhetha medhaavii citta.m gutta.m sukhaavaha.m.

The mind is very hard to perceive,
extremely subtle, flits wherever it listeth.
Let the wise person guard it;
a guarded mind is conducive to happiness

Tâm tế vi, khó thấy,
Vun vút theo dục trần,
Người trí phòng hộ tâm,
Phòng tâm thì an lạc.
(PC 36)

Kẻ đam mê ái dục,
Say đắm theo lục trần,
Tuy mong cầu an lạc,
Sanh tử vẫn hoại thân.
(PC 341)

Chiến thắng gây thù hận,
Thất bại chuốc khổ đau,
Từ bỏ mọi thắng bại,
An tịnh liền theo sau
(PC 201)

Sududdasa.m sunipuna.m yatthakaamanipaatina.m
Citta.m rakkhetha medhaavii citta.m gutta.m sukhaavaha.m.

The mind is very hard to perceive,
extremely subtle, flits wherever it listeth.
Let the wise person guard it;
a guarded mind is conducive to happiness

Tâm tế vi, khó thấy,
Vun vút theo dục trần,
Người trí phòng hộ tâm,
Phòng tâm thì an lạc.
(PC 36)

Kẻ đam mê ái dục,
Say đắm theo lục trần,
Tuy mong cầu an lạc,
Sanh tử vẫn hoại thân.
(PC 341)

Chiến thắng gây thù hận,
Thất bại chuốc khổ đau,
Từ bỏ mọi thắng bại,
An tịnh liền theo sau
(PC 201)

Sududdasa.m sunipuna.m yatthakaamanipaatina.m
Citta.m rakkhetha medhaavii citta.m gutta.m sukhaavaha.m.

The mind is very hard to perceive,
extremely subtle, flits wherever it listeth.
Let the wise person guard it;
a guarded mind is conducive to happiness

Tâm tế vi, khó thấy,
Vun vút theo dục trần,
Người trí phòng hộ tâm,
Phòng tâm thì an lạc.
(PC 36)

Kẻ đam mê ái dục,
Say đắm theo lục trần,
Tuy mong cầu an lạc,
Sanh tử vẫn hoại thân.
(PC 341)

Chiến thắng gây thù hận,
Thất bại chuốc khổ đau,
Từ bỏ mọi thắng bại,
An tịnh liền theo sau
(PC 201)

Sududdasa.m sunipuna.m yatthakaamanipaatina.m
Citta.m rakkhetha medhaavii citta.m gutta.m sukhaavaha.m.

The mind is very hard to perceive,
extremely subtle, flits wherever it listeth.
Let the wise person guard it;
a guarded mind is conducive to happiness

Tâm tế vi, khó thấy,
Vun vút theo dục trần,
Người trí phòng hộ tâm,
Phòng tâm thì an lạc.
(PC 36)

Kẻ đam mê ái dục,
Say đắm theo lục trần,
Tuy mong cầu an lạc,
Sanh tử vẫn hoại thân.
(PC 341)

Chiến thắng gây thù hận,
Thất bại chuốc khổ đau,
Từ bỏ mọi thắng bại,
An tịnh liền theo sau
(PC 201)

Sududdasa.m sunipuna.m yatthakaamanipaatina.m
Citta.m rakkhetha medhaavii citta.m gutta.m sukhaavaha.m.

The mind is very hard to perceive,
extremely subtle, flits wherever it listeth.
Let the wise person guard it;
a guarded mind is conducive to happiness

Tâm tế vi, khó thấy,
Vun vút theo dục trần,
Người trí phòng hộ tâm,
Phòng tâm thì an lạc.
(PC 36)

Kẻ đam mê ái dục,
Say đắm theo lục trần,
Tuy mong cầu an lạc,
Sanh tử vẫn hoại thân.
(PC 341)

Chiến thắng gây thù hận,
Thất bại chuốc khổ đau,
Từ bỏ mọi thắng bại,
An tịnh liền theo sau
(PC 201)

Sududdasa.m sunipuna.m yatthakaamanipaatina.m
Citta.m rakkhetha medhaavii citta.m gutta.m sukhaavaha.m.

The mind is very hard to perceive,
extremely subtle, flits wherever it listeth.
Let the wise person guard it;
a guarded mind is conducive to happiness

Tâm tế vi, khó thấy,
Vun vút theo dục trần,
Người trí phòng hộ tâm,
Phòng tâm thì an lạc.
(PC 36)

Kẻ đam mê ái dục,
Say đắm theo lục trần,
Tuy mong cầu an lạc,
Sanh tử vẫn hoại thân.
(PC 341)

Chiến thắng gây thù hận,
Thất bại chuốc khổ đau,
Từ bỏ mọi thắng bại,
An tịnh liền theo sau
(PC 201)

Sududdasa.m sunipuna.m yatthakaamanipaatina.m
Citta.m rakkhetha medhaavii citta.m gutta.m sukhaavaha.m.

The mind is very hard to perceive,
extremely subtle, flits wherever it listeth.
Let the wise person guard it;
a guarded mind is conducive to happiness

Tâm tế vi, khó thấy,
Vun vút theo dục trần,
Người trí phòng hộ tâm,
Phòng tâm thì an lạc.
(PC 36)

Kẻ đam mê ái dục,
Say đắm theo lục trần,
Tuy mong cầu an lạc,
Sanh tử vẫn hoại thân.
(PC 341)

Chiến thắng gây thù hận,
Thất bại chuốc khổ đau,
Từ bỏ mọi thắng bại,
An tịnh liền theo sau
(PC 201)

Sududdasa.m sunipuna.m yatthakaamanipaatina.m
Citta.m rakkhetha medhaavii citta.m gutta.m sukhaavaha.m.

The mind is very hard to perceive,
extremely subtle, flits wherever it listeth.
Let the wise person guard it;
a guarded mind is conducive to happiness

Tâm tế vi, khó thấy,
Vun vút theo dục trần,
Người trí phòng hộ tâm,
Phòng tâm thì an lạc.
(PC 36)

Kẻ đam mê ái dục,
Say đắm theo lục trần,
Tuy mong cầu an lạc,
Sanh tử vẫn hoại thân.
(PC 341)

Chiến thắng gây thù hận,
Thất bại chuốc khổ đau,
Từ bỏ mọi thắng bại,
An tịnh liền theo sau
(PC 201)

Sududdasa.m sunipuna.m yatthakaamanipaatina.m
Citta.m rakkhetha medhaavii citta.m gutta.m sukhaavaha.m.

The mind is very hard to perceive,
extremely subtle, flits wherever it listeth.
Let the wise person guard it;
a guarded mind is conducive to happiness

Tâm tế vi, khó thấy,
Vun vút theo dục trần,
Người trí phòng hộ tâm,
Phòng tâm thì an lạc.
(PC 36)

Kẻ đam mê ái dục,
Say đắm theo lục trần,
Tuy mong cầu an lạc,
Sanh tử vẫn hoại thân.
(PC 341)

Chiến thắng gây thù hận,
Thất bại chuốc khổ đau,
Từ bỏ mọi thắng bại,
An tịnh liền theo sau
(PC 201)

Sududdasa.m sunipuna.m yatthakaamanipaatina.m
Citta.m rakkhetha medhaavii citta.m gutta.m sukhaavaha.m.

The mind is very hard to perceive,
extremely subtle, flits wherever it listeth.
Let the wise person guard it;
a guarded mind is conducive to happiness

Tâm tế vi, khó thấy,
Vun vút theo dục trần,
Người trí phòng hộ tâm,
Phòng tâm thì an lạc.
(PC 36)

Kẻ đam mê ái dục,
Say đắm theo lục trần,
Tuy mong cầu an lạc,
Sanh tử vẫn hoại thân.
(PC 341)

Chiến thắng gây thù hận,
Thất bại chuốc khổ đau,
Từ bỏ mọi thắng bại,
An tịnh liền theo sau
(PC 201)

Sududdasa.m sunipuna.m yatthakaamanipaatina.m
Citta.m rakkhetha medhaavii citta.m gutta.m sukhaavaha.m.

The mind is very hard to perceive,
extremely subtle, flits wherever it listeth.
Let the wise person guard it;
a guarded mind is conducive to happiness

Tâm tế vi, khó thấy,
Vun vút theo dục trần,
Người trí phòng hộ tâm,
Phòng tâm thì an lạc.
(PC 36)

Kẻ đam mê ái dục,
Say đắm theo lục trần,
Tuy mong cầu an lạc,
Sanh tử vẫn hoại thân.
(PC 341)

Chiến thắng gây thù hận,
Thất bại chuốc khổ đau,
Từ bỏ mọi thắng bại,
An tịnh liền theo sau
(PC 201)

Sududdasa.m sunipuna.m yatthakaamanipaatina.m
Citta.m rakkhetha medhaavii citta.m gutta.m sukhaavaha.m.

The mind is very hard to perceive,
extremely subtle, flits wherever it listeth.
Let the wise person guard it;
a guarded mind is conducive to happiness

Tâm tế vi, khó thấy,
Vun vút theo dục trần,
Người trí phòng hộ tâm,
Phòng tâm thì an lạc.
(PC 36)

Kẻ đam mê ái dục,
Say đắm theo lục trần,
Tuy mong cầu an lạc,
Sanh tử vẫn hoại thân.
(PC 341)

Chiến thắng gây thù hận,
Thất bại chuốc khổ đau,
Từ bỏ mọi thắng bại,
An tịnh liền theo sau
(PC 201)

Sududdasa.m sunipuna.m yatthakaamanipaatina.m
Citta.m rakkhetha medhaavii citta.m gutta.m sukhaavaha.m.

The mind is very hard to perceive,
extremely subtle, flits wherever it listeth.
Let the wise person guard it;
a guarded mind is conducive to happiness

Tâm tế vi, khó thấy,
Vun vút theo dục trần,
Người trí phòng hộ tâm,
Phòng tâm thì an lạc.
(PC 36)

Kẻ đam mê ái dục,
Say đắm theo lục trần,
Tuy mong cầu an lạc,
Sanh tử vẫn hoại thân.
(PC 341)

Chiến thắng gây thù hận,
Thất bại chuốc khổ đau,
Từ bỏ mọi thắng bại,
An tịnh liền theo sau
(PC 201)

Sududdasa.m sunipuna.m yatthakaamanipaatina.m
Citta.m rakkhetha medhaavii citta.m gutta.m sukhaavaha.m.

The mind is very hard to perceive,
extremely subtle, flits wherever it listeth.
Let the wise person guard it;
a guarded mind is conducive to happiness

Tâm tế vi, khó thấy,
Vun vút theo dục trần,
Người trí phòng hộ tâm,
Phòng tâm thì an lạc.
(PC 36)

Kẻ đam mê ái dục,
Say đắm theo lục trần,
Tuy mong cầu an lạc,
Sanh tử vẫn hoại thân.
(PC 341)

Chiến thắng gây thù hận,
Thất bại chuốc khổ đau,
Từ bỏ mọi thắng bại,
An tịnh liền theo sau
(PC 201)

Lịch và Đồng hồ

Content on this page requires a newer version of Adobe Flash Player.

Get Adobe Flash player

Content on this page requires a newer version of Adobe Flash Player.

Get Adobe Flash player