NSGN - Theo truyền thống Phật giáo Đại thừa (Mahayana), ngày sanh của hoàng tử Siddhartha -
người sau này trở thành Đức Phật Thích Ca Mâu Ni là ngày lễ Phật giáo lớn nhất và mang ý nghĩa quan trọng nhất.
Ngày Phật đản đánh dấu một bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử nhân loại bởi chính nhờ sự ra đời của con người này mà sau đó cho đến tận hôm nay nhân loại được thừa hưởng một gia tài trí tuệ tâm linh và tri thức khoa học lớn nhất hành tinh. Sự vĩ đại của Đức Phật đã làm cho các đệ tử và những người tin yêu kính ngưỡng, tôn vinh, đảnh lễ tán thán. Có lẽ nhằm mục đích tôn kính và nâng cao uy đức của Bậc Giác ngộ - Đấng Đạo sư nên sự ra đời của Đức Phật bên cạnh yếu tố mang tính lịch sử được thêm vào những yếu tố mầu nhiệm, kỳ diệu và linh thiêng tôn giáo. Những yếu tố ấy được gọi chung là truyền thuyết và do đó khái niệm Phật đản theo truyền thuyết chỉ là kết quả tất yếu.
Tranh Phật giáo diễn tả sự kiện Đức Phật đản sinh
Ngày nay, mặc dù nhiều tôn đức và học giả nghiêng về hình thức đản sanh mang tính lịch sử thật, những yếu tố linh thiêng tôn giáo mang tính ẩn dụ trong sự ra đời của Đức Phật vẫn được chấp nhận và xem như là tín ngưỡng. Nhân đây, người viết cố gắng tìm hiểu về sự ra đời của Đức Phật theo truyền thuyết. Bài viết sẽ đề cập những bài kinh nói về sự Đản sanh của Đức Phật, các huyền thoại về sự Đản sanh, giá trị và giới hạn của các huyền thoại này.
Những bài kinh nói về sự kiện Đức Phật đản sanh
Sự kiện Đản sanh của Đức Phật được ghi lại trong một số bài kinh thuộc cả hai hệ Nam truyền và Bắc truyền. Ta biết rằng tư tưởng giáo lý Phật giáo giữa hai truyền thống Nam và Bắc có những điểm dị biệt bởi vì quan điểm của Tăng đoàn thuộc hai hệ khác nhau. Cho nên sự kiện Đản sanh của Đức Phật theo ghi chép của hai hệ có sự khác nhau cũng là dễ hiểu. Tuy nhiên, chúng ta cũng thừa nhận là có nhiều điểm tương đồng về ý nghĩa Đản sanh được tìm thấy trong kinh điển của hai hệ phái.
Các kinh thuộc Nam truyền đề cập về Phật đản gồm: kinh Nalaka trong kinh Tập (Sutta Nipata) thuộc kinh Tiểu bộ, kinh Đại bổn (Mahapadana Sutta) thuộc kinh Trường bộ, kinh Hy hữu vị tằng hữu pháp (Acchariya-abbhutadhamma Sutta) thuộc kinh Trung bộ, kinh Đại bát Niết-bàn thuộc kinh Trường bộ(1).
Các kinh thuộc Bắc truyền nói về Phật đản gồm: kinh Đại bổn duyên thuộc kinh Trường A-hàm, kinh Phương quảng đại trang nghiêm, kinh Phổ diệu, kinh Thái tử thụy ứng bản khởi, kinh Tu hành bản khởi, kinh Quá khứ hiện tại nhân quả, kinh Phật bản hạnh tập, kinh Phật thuyết thập nhị du(2). Trong phạm vi giới hạn của bài viết, ba bài kinh thuộc hai hệ phái có đề cập rõ về sự kiện đản sanh với những miêu tả mang tính huyền thoại sẽ được sử dụng như là tài liệu nguồn để trích dẫn. Ba bài kinh đó là kinh Đại bổn thuộc bộ Nikaya, kinh Đại bổn duyên thuộc bộ A-hàm và kinh Phật bản hạnh tập.
Các huyền thoại về sự Đản sanh của Đức Phật
Theo ba bản kinh trên, sự Đản sanh của Đức Phật được xem như là một sự hy hữu với những huyền thoại tôn giáo mặc định không thể lý giải bằng trí tuệ phàm phu qua cụm từ “pháp nhĩ như thị” hay “pháp thường của chư Phật.” Có khá nhiều yếu tố huyền thoại về Phật đản bắt đầu từ lúc mang thai cho đến khi thái tử ra đời nên ở đây chỉ đề cập những sự kiện chính thay vì liệt kê tất cả.
1- Hoàng hậu Maya mang thai sau khi “Đức Bồ-tát Hộ Minh từ cung trời Đâu Suất giáng thần vào bụng bà.”
2- “Bồ-tát vào thai mẹ quả đất rung động, chuyển động, chấn động.”
3- Hoàng hậu mang thai Bồ-tát mười tháng thay vì chín tháng mười ngày như đa số người thường.
4- “Mẹ vị Bồ-tát đứng sanh vị Bồ-tát thay vì ngồi hay nằm như những người đàn bà khác.”
5- Bồ-tát “sanh từ hông phải/bụng của mẹ” không cần cắt rốn, không để lại dấu vết gì trên thân mẹ.
6- “Bồ-tát từ bụng mẹ sanh ra không đụng đất, chư thiên đỡ lấy Ngài rồi đến loài người.”
7- “Hai dòng nước nóng và lạnh từ hư không hiện ra tắm rửa sạch sẽ cho Bồ-tát và mẹ.”
8- Bồ-tát khi sanh ra đứng vững thăng bằng trên hai chân…bước đi bảy bước và tuyên bố rằng: “Ta là bậc tối thượng ở trên đời! Ta là bậc tối tôn ở trên đời. Ta là bậc cao nhất ở trên đời. Nay là đời sống cuối cùng, không còn phải tái sanh ở đời này nữa.”
9- Bồ-tát được các thầy xem tướng khẳng định là có ba mươi hai tướng tốt nên chỉ có hai trường hợp xảy ra trong tương lai là hoặc Bồ-tát làm Chuyển luân thánh vương nếu sống tại gia đình hoặc sẽ thành Phật nếu xuất gia.
Giá trị của huyền thoại về niềm tin tôn giáo
Những huyền thoại mầu nhiệm, linh thiêng tôn giáo thường được gắn cho những bậc thánh nhân khi họ xuất hiện và trong suốt quá trình họ hiện hữu. Sự Đản sanh của Đức Phật từ Phật quá khứ Tỳ Bà Thi cho đến Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đều có những yếu tố huyền thoại giống nhau như là công thức cho sự ra đời của một Đức Phật. Những huyền thoại này được các bản kinh vừa dẫn nêu rõ là chỉ dành cho bậc Bồ-tát thị hiện trên cõi đời để cứu độ chúng sanh. Người phàm phu khi sinh ra không thể nào có được sự mầu nhiệm ấy.
Chính những huyền thoại mầu nhiệm đã làm tăng thêm uy đức của bậc Bồ-tát hay bậc Thánh và thu hút được rất nhiều tín chúng quy tụ vì kính ngưỡng và cầu nguyện, thậm chí cầu xin. Từ đó, đoàn thể hay tôn giáo của vị ấy sáng lập sẽ trở nên nổi tiếng, hấp dẫn, thu hút nhiều quần chúng và tất nhiên nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ họ. Trong môi trường đa tôn giáo như ở xứ Ấn Độ với số ngoại đạo vào thời Đức Phật là 96 (số lượng có thể tăng giảm sau đó), các huyền thoại linh thiêng mầu nhiệm có ý nghĩa góp phần làm cho tôn giáo ấy nổi tiếng hơn và được sự ủng hộ nhiều hơn từ tín chúng.
Ngày nay, có thể nói nếu tôn giáo nào sở hữu một nhân vật có các yếu tố mầu nhiệm như trên thì tôn giáo ấy dễ dàng thu hút tín chúng trên phương diện tín ngưỡng.
Các huyền thoại Đản sanh đã góp phần tạo nên nét văn hóa Phật giáo. Từ những huyền thoại trên, Phật giáo Đại thừa đã phác họa ra mô hình vườn Lâm-tỳ-ni đầy đủ những hình ảnh minh họa để kỷ niệm ngày Đức Phật đản sanh. Vườn Lâm-tỳ-ni được thiết trí tại lễ đài hay sân vườn chùa và ở nhà của một số cư sĩ Phật tử vào dịp Phật đản đã trở thành nét văn hóa Phật giáo ở các nước Phật giáo Đại thừa.
Ở Việt Nam, khi nói về Phật đản thì hình ảnh vườn Lâm-tỳ-ni hay ít nhất là hình ảnh hoàng nhi đứng trên hoa sen phải hiện diện. Ngoài ra, cũng từ những huyền thoại đó các vị Tổ đã soạn ra những nghi thức đọc tụng, xưng tán, lễ bái cho hàng tín chúng thực hành. Câu xướng đảnh lễ “Nhất tâm đảnh lễ Đâu Suất giáng thần, Maya ứng mộng, Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật” là một trong những câu xướng lễ tóm tắt sơ lược cuộc đời của Đức Phật Thích Ca từ kiếp quá khứ cho đến Đản sanh và Nhập diệt.
Giới hạn của giá trị huyền thoại
Tuy nhiên, những huyền thoại Đức Phật đản sanh cũng có những hạn chế của nó. Thứ nhất, chú trọng thần thánh hóa sự ra đời của Đức Phật vô hình trung làm cho hình ảnh Đức Phật trở thành một người xa lạ hay một vị thần linh quyền năng. Nó mâu thuẫn với chính cuộc đời tu tập, hành đạo của Đức Phật và mâu thuẫn với những lời Ngài dạy trong kinh điển, nhất là kinh điển thuộc bộ Nikaya. Chính Đức Phật thường răn dạy các đệ tử không được lạm dụng thần thông và Ngài luôn khuyến khích phát huy loại thần thông giáo hóa. Vì vậy, những huyền thoại về sự Đản sanh của Ngài không phải là nhân tố chính làm nên sự nghiệp giác ngộ và hoằng hóa độ sanh của Ngài.
Thứ hai, trong các huyền thoại nêu trên có sự mâu thuẫn ở vài điểm. Mục số 6 (tạm dùng số mục cho dễ phân biệt vì trong kinh không ghi số mục) nói rằng “Bồ-tát từ bụng mẹ sanh ra không đụng đất, chư thiên đỡ lấy Ngài rồi đến loài người” nhưng ở mục 8 thì ghi là “Bồ-tát khi sanh ra đứng vững thăng bằng trên hai chân...bước đi bảy bước...". Bồ-tát sanh ra đứng vững, đi được bảy bước thì cần gì phải đỡ lấy. Bồ-tát đã đi được bảy bước rồi sao không tiếp tục bước đi như các đứa bé biết đi khác. Lại nữa, Bồ-tát mới sinh ra đã nói được bốn câu kệ nhưng sau đó không nói được nữa mà phải chờ đúng thời gian như bao đứa trẻ khác mới nói.
Thứ ba, quy định 32 tướng tốt như kinh miêu tả là theo truyền thống văn hóa Bà-la-môn giáo bấy giờ chứ không phải tiêu chuẩn chung của nhân loại, lại càng không phải tiêu chuẩn để thành Phật. Giáo lý thuộc kinh Lăng nghiêm phủ nhận 32 tướng tốt là tiêu chuẩn để thành Phật vì Chuyển luân thánh vương cũng có đủ 32 tướng tốt và Ma Ba Tuần cũng có thể hóa hiện ra như thế nhưng họ không phải là Phật (3).
Thứ tư, huyền thoại hóa Đức Phật làm cho Ngài trở thành đấng đáng tôn thờ, cúng bái, cầu nguyện, van xin để được ban phước, tiếp dẫn hơn là Bậc Đạo sư chỉ đường dẫn lối cho chúng ta đi an lạc hạnh phúc trên cuộc đời này. Có lẽ vì Phật giáo Đại thừa sử dụng nhiều ẩn dụ mang tính huyền thoại nên hình thức Phật giáo tín ngưỡng, nghi lễ cúng bái phát triển mạnh ở các nước theo truyền thống này. Đây là điều Phật giáo đáng suy nghĩ.
Kết luận
Ngày nay, người con Phật vui mừng vì cộng đồng thế giới đã công nhận Đức Phật là một con người lịch sử thông qua những bằng chứng khoa học cụ thể. Điều đó có ý nghĩa to lớn trong việc khẳng định Đức Phật là một vĩ nhân, một người giác ngộ giải thoát bằng nỗ lực tu tập khổ luyện đúng phương pháp. Sự thành công nào cũng phải trả giá bằng sự siêng năng tinh tấn, quyết chí bền gan, kiên trì đi tới kèm theo những tri thức cần thiết và phương pháp đúng đắn. Không có những yếu tố đó thì dù cho chúng ta có cường điệu, thần thánh hay huyền thoại hóa thì kết quả cũng chỉ là mơ mộng không thực tế. Huyền thoại hóa sự kiện Đức Phật đản sanh có thể làm cho hình ảnh Đức Phật linh thiêng hơn, mầu nhiệm hơn nhưng điều đó chưa đủ làm cho Ngài thành Phật.
Sự thật, Thái tử Siddhartha đã phải mất 6 năm tu khổ hạnh và quyết chí ngồi thiền 49 ngày đêm mới giác ngộ. Ở góc độ văn hóa tín ngưỡng, huyền thoại Phật đản góp phần tạo nên nét văn hóa Phật giáo tín ngưỡng. Xét về góc độ thực tiễn, Đức Phật lịch sử có tính thuyết phục hơn, gần gũi hơn, thực tế hơn và dễ chấp nhận hơn.
Thích Hạnh Chơn