Mũ Tì-lư của vị Gia trì sư được đội lên trong trai đàn chẩn tế cô hồn
Nhân quả luận Phật giáo nêu lên con người sau khi chết đi nếu chưa giác ngộ sẽ bị trôi lăn theo nghiệp thức, đoạ lạc ba nẽo ác, nhân gian quy kết 12 loại cô hồn (còn gọi thập loại cô hồn). Tín ngưỡng Phật giáo nhân gian quan niệm ngài Đại sĩ Tiêu Diện do Bồ-tát Quán-thế-âm hóa thân thống nhiếp cô hồn. Trong đó, ngôi vị cao nhất trong xã hội là vua quan, cho đến hèn kém nhất giữa đời thường là kẻ ăn mày đói rách, cho đến kẻ đánh bắt cá, chặt củi, cày cấy, chăn dắt gia súc (ngư, tiều, canh, mục). Văn thỉnh thập nhị loại cô hồn được mô tả logic và trích truyền ròng rặc về sự tích, bối cảnh của người đất Hán.
Đại sĩ Tiêu Diện (còn gọi Diệm khẩu quỷ vương) do Bồ-tát Quán-thế-âm hóa thân hung tợn
Trước hết thử hỏi: ai là tác giả soạn viết văn thỉnh?
Sử ghi nhà thơ nổi tiếng thời Bắc Tống Tô Đông Pha có viết bản “Diệm khẩu triệu thỉnh văn” chứa đựng tâm tư não nề, miêu tả kiếp người mong manh như “hạt sương rơi đầu cành”, những cô hồn nương nhờ uy thần của Tam bảo mới được siêu thoát. Vậy Tô Đông Pha là tác giả ư?
Xưa nay văn chương thi kệ Phật giáo được lưu truyền đều do từ ngòi bút sắc bén của các tăng nhân hay văn nhân có học vấn uyên bác. Văn hiến học Phật điển cũng phải trải qua việc bổ chính, mới trở nên nguồn chảy lâu sâu. Văn thỉnh cũng là một tuyệt tác được lưu thông và ứng dụng cho các nghi thức (đại khoa, trung khoa, lược khoa, thí thực cô hồn) ở miền Bắc, Trung, Nam trong nước; nghiễm nhiên trở thành thiên văn chương bất hủ sống mãi trong mọi thời đại. Tô Đông Pha kết duyên sâu với Phật pháp, kết bạn với hàng tăng lữ đương thời, cho nên văn từ trong văn thơ của ông tuôn chảy thấm đẫm Phật lý. Nhất là giai thoại giữa ông và Thiền sư Phật Ấn cũng được lưu truyền rộng khắp trong cửa thiền. Có người nêu: “Văn thỉnh thập loại cô hồn không phải của ông, bởi vì trong văn thỉnh này, toàn bộ được sử dụng Tứ lục cú 四六句”. Đây là điều không mấy rõ ràng. Tứ lục cú là thể văn ngôn đặc thù thời Trung Hoa cổ đại. Nhưng trong văn thỉnh “Phần biền văn lấy hai câu là chính, chú trọng đối 2 thanh luật, nhiều thì 4 chữ, giữa thành câu 6 chữ”. Rõ ràng thấy được người viết văn thỉnh đã khéo léo dùng phương pháp cổ đại là kết hợp luật văn biền thể, rồi phối hợp với thanh luật để lồng ghép những tuồng tích xa xưa nhằm tạo thêm sức thu hút cho người đọc và cảm thấy dâng trào cảm xúc. Ông là một trong tám nhà thơ lớn (“Đường Tống bát đại gia chi nhất” 唐宋八大家之一) đề xướng việc thay mới cổ văn; lẻ nào lại dùng dạng thanh luật này? Còn phần nhiều văn thỉnh lại dùng văn biền thể. Vả lại, như đoạn “Ngũ quốc oán thanh vị đoạn” (thuộc câu thỉnh 1) thì ‘ngũ quốc’ (五国) là 5 bộ lạc dân tộc thiểu số: Việt Lý Cát, Áo Lý Mễ, Bội A Lý, Bồn Nô Lý, Việt Lý Phùng trong nước Liêu. 5 bộ lạc này nằm ven sông Tùng Hoa, thuộc dòng chảy Hắc Long giang. Sông này là sông lớn nhất trong huyện Y Lan. Sử viết Ngũ quốc còn gọi là Ngũ quốc bộ (五国部). Nước Kim thành lập vào năm 1115; hai năm sau, vào niên hiệu Tĩnh Khang thời Bắc Tống, quân Kim công phá phủ Khai Phong, Tống Khâm tông bị bắt nhốt ở Ngũ quốc, hơn 3000 người trong hoàng cung bị bắt về nước Kim. Triều Bắc Tống bị diệt vong, đây là một “Nổi nhục Tĩnh Khang” tủi nhục nhất trong lịch sử Trung Hoa. Trong Mãn giang hồng (满江红) ghi lại tâm trạng uất hận của anh hùng kì tài Nhạc Phi, Nhạc Phi thốt lời: “Tĩnh Khang nhục, tuyết chưa tan, vua thần hận, cớ sao diệt!”. Triều Tống diệt vong vào niên hiệu Tĩnh Khang thì Đông Pha đã qua đời lâu. Ông sinh vào niên hiệu Cảnh Hựu thứ 4 (1037) thời Tống Nhân tông, qua đời vào đầu niên hiệu Tĩnh Quốc (1101) thời Tống Vi tông. Lúc này Tống Vi tông Triệu Cát đang làm vua, đến thời Tống Khâm tông mất nước; hai vua này bị bắt thì ông đã qua đời 25 năm trước đó. Ông lớn hơn Vi tông 45 tuổi, lớn hơn Khâm tông 63 tuổi. Suy ra, người đời sau viết sử sai nhầm về việc này và xác định văn thỉnh không phải do Tô Đông Pha trứ tác.
Đoạn “…Tây lai chiến hạm, thiên niên vương khí nga thâu” (câu thỉnh 1) được giới phân tích nêu liên hệ đến 2 thuyết:
Thuyết 1: ‘Cửu ngũ chí tôn’ (九五致尊). Con số cửu ngũ (9, 5) bày rõ ngôi cao, “Hai số này mang ý nghĩa tượng trưng cho chí cao vô thượng; cũng nhằm chỉ cho vua. Và chỉ cho người có tài năng mới dùng số biểu trưng này”. Theo thuyết toán số học cổ đại thì hai số này được chia ra âm số và dương số. Đơn số là dương, song số là âm. Trong dương số thì số 9 (cửu 九) là số cao nhất, còn số 5 (ngũ 五) là số ở chính giữa. Do đó thời phong kiến xem hai số này tượng trưng cho quyền lực vua chúa, từ đó mới có quan niệm ‘Cửu ngũ chi tôn’ cao nhất. Theo Kinh dịch thì quẻ đầu của 64 quẻ là quẻ càn. Càn (乾) là trời, trời cao tột hay chỉ cho vua chúa. Trong 6 dương số thì số đầu là 9, cũng là ngôi cao nhất. Trong 6 vị thì cao nhất là quẻ càn, cũng chỉ cho đoạn cuối cũng bị tàn lụi theo lẽ biến dịch. Luận điển Đại thừa như Du-già sư địa luận của Luận sư Vô Trước hay Thành Duy thức luận thuật ký của Đại sư Khuy Cơ cũng hay nói đến các pháp biến lưu vô thường.
Thuyết 2: chỉ cho đại tướng kì văn võ song toàn Vương Tuấn (王濬; 206~286) sống vào đầu thời kì Tây Tấn. Sử Tam quốc ghi, vào niên hiệu Hàm Ninh thứ 5 (279) thời Tấn Võ đế, Vương Tuấn dẫn quân chiếm lấy Vũ Xương, rồi thống nhiếp Kiến Nghiệp (nay là Nam Kinh). Tư Mã Viêm lập triều Tấn và tham vọng muốn thống nhất đất nước, bèn sắc lệnh Vương Tuấn đóng quân ở Tứ Xuyên để huấn luyện thuỷ quân và nỗ lực đóng tàu bè để chuẩn bị dẫn quân từ Trường Giang đánh nước Ngô. Tư Mã Viêm ra lệnh dẫn binh đánh sáu đường, Vương Tuấn thống soái 7 vạn thuỷ quân, dẫn đường thứ nhất rồi tiến đánh Ích Châu (Thành Đô). Vua Tôn Hạo (cháu đích tôn của vua Đông Ngô là Tôn Quyền) hoang dâm vô độ, giết hại trung thần, không đủ sức chống cự nên dăng cờ đầu hàng triều Tấn. Nước Thục diệt vong vào năm 263, nước Ngô diệt vong vào năm 280; cuối cùng giang sơn Hoa Hạ thống nhất một mối.
“Luỵ triều đế chúa” là chỉ cho Tấn Hoàn Vương hỗn chiến với nước Ngô. Trải bao thời thay ngôi đổi chủ, cha con tàn hại nhau, anh em hãm hại nhau cũng vì ngôi vị này. Tào Phi rắp tâm muốn giết em trai Tào Thực nên ra lệnh em trai đi bảy bước phải làm xong bài thơ. Trong Bảy bước thành thơ (Thất bộ thành thi 七步成詩) của Tào Thực ghi: “Nấu đậu chụm vỏ đậu, đậu tại trong nồi khóc, vốn một gốc sinh ra, cớ sao đốt gấp vậy.” Thái tử A-xà-thế hãm hại vua cha Tần-bà-sa-la (“Tần-bà-sa-la là vị vua hộ pháp đắc lực nhất kể từ sau khi Đức Phật thiết lập Tăng đoàn”), đã “Giam hãm vua cha trong lao ngục u tối, bị gọt tận móng chân, đói khát mà chết”;còn đối xử tàn các với bà Vi-đề-hi (phu nhân của Tần-bà-sa-la). Nhưng sau khi được Đức Phật điểm hóa, A-xà-thế “Trở thành vị hộ pháp của giáo đoàn Phật giáo”.
“Thiên niên vương khí nga thâu” là quân Kim bắt Tống Khâm tông triều Bắc Tống và bị đày ra sa mạc. “Ngũ quốc oán thân” là từ đó dần dà trở thành Ngũ quốc thành.
“Bắc khứ loan dư” làcái chuông lục lạc đeo trên yên ngựa chở vua đi. Từ điển Thiều Chửu giải thích chữ ‘loan’ (銮) là cái chuông nhỏ, chữ ‘dư’ (舆) là xe chở người và vật từ nơi này đến nơi khác. Nhân gian hay nói đến động từ kép ‘dư luận’ (舆論), là chuyên chở những lời đúng sai của từ người này qua người khác. Nhằm chặt đứt hàng rào ngôn ngữ, lời lẽ nhà thiền có câu “Lời đúng sai như hoa rụng buổi sáng” (Thị phi ngôn trục triêu hoa lạc 是非言逐朝花洛.)
“Đỗ quyên khiếu lạc”, theo truyền thuyết thì loài chim đỗ quyên rất lạ lùng. Tương truyền, thời xa xưa Thục có người tên Đỗ Vũ giỏi về cày cấy, sau khi lên làm vua lấy tên là Vọng đế, chết đi hoá làm chim đỗ quyên. Từ đó, khái niệm đỗ quyên bắt nguồn từ đây.Đầu lưỡi chim màu đỏ, cuối mùa xuân và mùa hạ thì chim hót tiếng nghe ai oán. Truyền thuyết này được bắt nguồn từ thời Xuân thu Chiến quốc. Trong Định phong ba-Tái Dụng Vận Hoà Triệu Tấn Thần Phu văn của nhà viết ‘từ’ Tân Khí Tật thời kì Nam Tống ghi: “Hoa rơi cỏ dại chẳng ngày xuân. Nghe đỗ quyên hót chợt nhớ xưa.”
“Tiền vương hậu bá” chỉ cho ba vị vua: Nghiêu, Thuấn, Vũ; dịch theo thể văn thì trước vua sau quan hay trên vua dưới quan.
“Trúc đàn bái trướng” chỉ cho ba vị đại tướng: Hàn Tín, Tiêu Hà, Hà Kỳ. Trước thì Hán Cao Tổ chưa trọng dụng Hàn Tín, sau lại phong Hàn Tín làm đại tướng. Trong Hán thư-Cao đế kí thượng ghi: “Vua Hán giữ giới chay tịnh, lập đàn tràng rồi phong Tín (Hàn Tín) làm đại tướng quân và hỏi về kế sách.”
“Kiến tiết phong hầu” là nói về nhà quân sự Ban Siêu thời kì Đông Hán. Ban Siêu lúc nhỏ nghèo khó, nhưng lập chí siêng học tập, rồi sau được phong hầu.
“Lực di kim đỉnh thiên cân” chỉ cho vua Hạ Vũ dốc sức dựng nước; và quan đại phu Ngũ Tử Tư thời Xuân Thu đến đầu hàng nước Ngô.
“Thân tác trường thành vạn lý” chỉ cho vào thời kì Lưu Tống có đại tướng văn võ song toàn Đàn Đạo Tế.
“Sương hàn báo trướng” là những võ tướng lập doanh trại nơi hoang vắng và cắm lá cờ lên, dựng cao ngọn cờ bay phất phới để tỏ ra uy quyền quân đội.
“Đồ cần hạn mã chi lao; phong tức lang yên”, ngày xưa chế ra mười làng lập nên một doanh trại hay thường xuyên nhen nhúm khói bếp. Khi trong triều đình có chuyện xảy ra thì nhen khói bốc mịt mù để những nước khác biết mà cứu giúp. Đến buổi chiều thì đốt lửa cho khói bay lên báo hiệu cho quân lính lui lui về doanh trại.
“Ngũ lăng tài tuấn” chỉ cho 5 vị vua ở 5 nơi. Hán Cao tổ ở Trường Lăng, Hán Huệ đế ở An Lăng, Hán Văn đế ở Bá Lăng (nay là tỉnh Thiểm Tây), Hán Cảnh đế ở Dương Lăng, Hán Võ đế ở Mậu Lăng.
“Bồng lai chi đảo” là nói đến đảo Bồng Lai nằm trên biển Hoa Đông. Đảo này trong lành yên tịnh, bặt dấu chim bay, vắng vết chân người, là nơi thần tiên dạo chơi và cư ngụ. Cuốn tiểu thuyết Thần thoại truyện của nhà luyện đan thuật Cát Hồng (người đời gọi là Cát tiên ông 葛仙翁) sống vào thời Đông Tấn có nói về đảo Bồng Lai; “thiên Vương Viễn” của Thần thoại truyện nói đến chuyện Vương Viễn sống vào triều Hoàn đế thời Đông Hán giao du với tiên nữ ở dưới biển. Lần nọ, Vương Viễn đến nhà của Thái Kinh, khi bước đến gần nhà bỗng thấy một tiên nữ xinh đẹp đứng trước mặt. Sau đó tiên nữ lại đến nhà Thái Kinh (người do Vương Viễn biến ra) ở biển đông, nói quen biết và muốn giao du với Thái Kinh, rồi tự mình nói đã 3 lần (có thuyết nói 5 lần) thấy bãi biển biến thành nương dâu. Trước đó không lâu, tiên nữ còn đến đảo tiên Bồng Lai (蓬莱仙岛) thấy nước biển sóng nhấp nhô rồi dần khô cạn, mặt biển trở nên mặt đất phẳng lì. Thái Kinh nghe, cười và trả lời: “Bậc thánh đều nói biển cả sẽ bị khô cạn thành đất liền”. Thái Kinh vừa nói vừa đưa tay chỉ và nhìn đăm đăm tiên nữ, nghĩ rằng việc chỉ tay này như móng chim lướt nhẹ, nghĩ rằng chỉ có cách nói lên sự thật mới mang đến tâm thái yên ổn cho tiên nữ. Nào ngờ cách làm này lại bị tiên nữ phản ứng và rất tức giận, lập tức đập đầu xuống đất mà chết.Từ đó nhân gian hay nói câu “Bãi biển biến thành nương dâu” (Thương hải biến vi tang điền). Trong bài tán “Nhất điện mộng hoàng lương” dành cho lễ cúng linh cũng có câu “Nhất triêu thường hải biến, như diệp tợ ngân sương”; nhằm nói đến muôn vật biến dịch như sương đọng trên lá.
“Không đàm bí mật chân thuyên” là nói về từ vô pháp rồi khế nhập thực tướng các pháp, hay nói đến tính không,vô ngã.
“Bạch hổ lê nô” chỉ cho con trâu màu đen; cũng chỉ “Con bò trắng và nô lệ đen; chỉ chuông mỏ của nhà chùa”.
“Hoàng Quan dã khách” là nói đến nhà chính trị triều Đường học rộng tài cao Lý Thuần Phong, hiệu là Hoàng Quan.
“Vũ phục tiên lưu” nói đến thời Đường Thái tông có tiên nhân Đàm Tử Tiêu được quyền ra vào tự do trong hoàng cung, được vương triều sắc hiệu là Kim Môn Vũ Khách.
“Đào nguyên động” nằm trên núi Chung Nam. “Lý tu chân, lãng uyển châu tiền dưỡng tánh”; ‘Lãng uyển châu’ nằm trên bán đảo Bồng Lai, là nơi để tu chân dưỡng tánh của các đạo sĩ trong Đạo giáo.
‘Tam hoa’ là tinh thần. ‘Cửu luyện’ là tu luyện học về thất phản cửu hoàn trong Đạo giáo. Là phương pháp kết hợp giữa người, trời, đất (thiên, địa nhân.)
“Cát hung chỉ tại phiếm thời; chương ngoã vị phân” chỉ cho ở thị trấn Giang Tân tỉnh Tứ Xuyên có ao Thiên Tuyền (天泉池, đến mùa xuân thì người trong làng đến đây hóng mát. Tương truyền, phụ nữ hay đến ao này mò gạch đá để cầu con, nếu mò được đá sẽ sinh con trai, mò được gạch sẽ sinh con gái.
“Nguyệt khuyết hoa tàn, trường đoạn mã ngôi chi dịch” nói đến chuyện Dương Quý Phi là phi tần của Đường Huyền tông nhưng lại vụng trộm tư tình với phản tướng An Lộc Sơn. Sau đó bà bị quân lính bắt và xử chết lúc 38 tuổi.
Trong đó, điều khiến cho mọi người nghi ngờ, thắc mắc là loại cô hồn thứ năm-“Xuất trần thượng sĩ, phi tích cao tăng”. Người tu hành tức là thuộc “Dòng truy y Thích tử” của Phật giáo. Bậc xuất trần thượng sĩ sau khi “hạnh mãn quả viên” xả bỏ báo thân, viên tịch được gọi là giác linh. Đã giác linh, sao còn đoạ? Công đức của bậc xuất trần cao tột, “Một vị xuất gia, khiến cho chín đời cha mẹ sinh lên cõi trời”. Nhưng đứng từ góc độ khác, nếu người xuất gia không giử tịnh giới, tâm tính bỏn xẻn, cho đến không hiểu rành mạch giới pháp của Đức Phật chế định và giử giới không trọn vẹn thì vẫn bị đoạ đường ác như thường. Kinh Lương Hoàng Sám nói nhiều về điều này.
Truy y (缁衣) còn gọi là hắc y, cũng thay cho người xuất gia. Hắc nhiễm y là ca-sa màu đen hay màu nâu sòng. Văn bia Hồ Ẩn Phương Viên Tẩu Xá-lợi minh (văn bia viết về hành trạng quái gỡ của Tế Điên Hòa thượng. Tế Điên còn gọi là Hồ Ần, Phương Viên Tẩu) của Thiền sư Cư Giản thời Bắc Tống có ghi: ‘Tấn Tống danh truy’ (晋宋名缁), thì chữ ‘truy’ là màu nâu. Đắp y phục màu nâu nhằm phân định tăng lữ. Bộ sử tịch Phật giáo Trung Hoa cổ đại nổi tiếng Lạc dương Già-lam kí, phần “Thành nội Hồ thống tự” của Dương Huyễn Chi (Yang Xuanzhi) thời kì Bắc Nguỵ ghi: “Lúc (các ni cô) vào cung, sau khi thuyết pháp cho Thái hậu phải mặc áo nâu; ai cũng như thế”. Với chiều hướng làm cho khác biệt, nên biến đổi từ hoàng y (y vàng) thành truy y (màu nâu). Tăng sử truyện ghi cao tăng Tuệ Lâm thời nhà Tống khi vào triều chính hay đắp truy y, nên người đời gọi Tuệ Lâm là “Hắc y tể tướng” (黑衣宰相). Hắc y cũng là đối lập của bạch y, nên cư sĩ còn gọi là bạch y, nói đủ là bạch y cư sĩ.
“Xuất trần thượng sĩ, phi tích cao tăng”: Xuất trần là chỉ cho người xuất gia thoát khỏi bụi trần. Thượng sĩ còn gọi là đại sĩ, đại nhân, là tên gọi khác của vị Bồ-tát. Thích thị yếu lãm ghi: “Làm không lợi mình lợi người gọi là hạ sĩ, có lợi mình lợi người gọi là trung sĩ, cả hai đều lợi là thượng sĩ”. Thích thị yếu lãm giải thích ý nghĩa chữ ‘phi tích’ nhằm chỉ bậc cao tăng trước đây khi xuống núi đến núi Ngũ Đài đều chống tích trượng. Cao tăng Ấn Độ khi đến Trung Hoa hoằng pháp cũng được gọi là Phi tích. Tăng nhân vân du đây đó đều dùng tích trượng. Đức Phật chế định dùng phi tích để vân du đó đây, cũng là 1 trong 18 hạnh đầu đà.
“Hoàng hoa tuý trúc” là mô tả cảnh vật “Trúc xanh hoa vàng”. Thiền ngữ có câu “Trúc biếc xanh xanh, rốt là chân như; hoa vàng rộ nở, đều là bát-nhã”. Cuốn Chỉ nguyệt lục (指月綠) viết về cuộc đối thoại thiền học của Thích Ứng Từ
(釋應慈) hiệu Hoa Nghiêm Toạ Chủ (華嚴座主) hỏi Hòa thượng Đại Châu: Hòa thượng sao chẳng nhận thấy trúc biếc xanh xanh rốt là pháp thân, hoa vàng rộ nở đều là bát-nhã?. Đáp: pháp thân vô tướng, nên trúc biếc mà nên hình; bát-nhã vô tri, nên hoa vàng mà bày tướng. Nào ngoài thứ trúc biếc hoa vàng mà có pháp thân bát-nhã.”
“Bạch ốc thư sinh” là kẻ học trò thức khuya dậy sớm viết cạn mực giấy nhưng số phận rủi ro bị thi rớt. Kẻ nho nhã lấy việc nghiên tầm sử sách của bậc hiền triết làm sự nghiệp, nhưng bởi do chế độ phong kiến mục nát nên không được trọng dụng, cam chịu vận mệnh ‘học tài thi phận’ mà không được ghi danh bảng vàng. Luống uổng thay!
“Thiết nghiễn ma xuyên” là kẻ thư sinh nung đúc ý chí sôi kinh nấu sử mà không gì lay chuyển, chông đèn học trọn canh thâu. Bài thơ Đọc sách đêm lạnh (寒夜读书 Hàn dạ đọc thư) của nhà văn học Lục Du thời Nam Tống ghi: “Gian nan đọc sách đêm tịch mịt, miệng đọc tay viết biết bao năm”. Ham học đến mức độ “Đèn đuốc canh ba gà canh năm gáy” để mong có ngày vinh hiển tổ tông, nhưng vĩnh viễn chẳng thành, chỉ còn là giấc mộng Nam kha.
“Phong sương bất trắc” là kẻ đi buôn bị gió bão thổi lật thuyền, kẻ xa quê, rời vợ lìa con, xa cách người thân để tạo dựng cơ nghiệp, mong có một ngày dư dật tiền của, nhưng chẳng may bị hải tặc giết chết hay thân xác chìm sâu dưới dáy biển làm mồi cho loài thuỷ sinh. Muôn trùng cách biệt mà không thể sum họp với người thân.
Nhìn chung, những lời văn này phần nhiều miêu tả cảnh vật buồn tênh, đêm thâu lạnh thổn thức những canh dài trong lòng người, tiếng chim cuốc kêu thê lương, người anh hùng kẻ tướng soái nay nam chinh mai bắc chiến, toàn phơi bày chuyện đau buồn mà chẳng mang lại tâm thái giải thoát theo quan điểm Phật giáo, “Văn từ phần nhiều sáo rỗng, nhiều điển tích vô hồn”. Văn chương ấy lưu truyền thiên cổ, bởi vì “Được cho là hay, vì thói quen. Và cũng do trình độ thưởng thức văn chương của người nghe”.Nếu áp dụng văn thỉnh này thì sẽ không hợp với ngữ cảnh, ngữ văn ở trong nước, nhưng thông qua đọc âm Việt nhưng chữ Hán sẽ tạo nên ý vị lắng sâu và ray rứt tâm can, “Đặc vị văn chương của nó không lấy người sống làm đối tượng. Tự tình nồng nàn được phát tiết như là những tiếng ngậm hờn thiên cổ, sống không nói được, chết chôn vùi theo cát bụi”.Khi nghe tiếng triệu thỉnh theo cung ‘Nam ai’ thoang thoảng giữa đêm khuya thì mặc dù không hiểu ý nói gì, nhưng vẫn hằn in cõi lòng, diễn bày khung trời “Màu sương trăng lạnh phủ trên cánh hoa đào, dòng máu oan thiên hận sự bất thành nhuộm đỏ đầu cây ngọn cỏ. Vậy thì, giang sơn như bức hoạ còn đó, mà anh hùng hào kiết một thời ở đâu, và đâu là ảo vọng của đời người”.Đúng thật âm hưởng biến dịch của kiếp người phảng phất đơn lẻ, cũng là phản ánh cõi trần vô thường.
Trích từ: Chú giải nghi Huế (bản thảo)
Quách Xán Kim,” Sao chí tôn là cửu ngũ”, đăng trên Giải phóng nhật báo, 5-2010
Nguyên văn “Chữ đậu nhiên đậu cơ, đậu tại phủ trung khấp, bổn thị đồng căn sinh, tương tiên hà thái cấp 煮豆燃豆萁, 豆在釜中泣, 本是同根生, 相煎何太急”. Thời này cũng có người nói bài thơ này là ngụy tạo
Huỳnh Hạ Niên, Thích Trung Nghĩa dịch, Lịch sử Phật giáo Trung Hoa cổ đại, phần “Đức Phật và đô thị Phật giáo”, Nxb. Hồng Đức, 2014, tr.383
Sđd
Sđd
theo Vương Tú Chi chủ biên, Bách khoa động vật (动物百科), Nxb. Đại bách khoa Trung Quốc, 2009
theo Vương Tĩnh biên trứ, Sử thoại ngự hải ( 王静编著,驭海史话), Nxb. Khoa học kỷ thuật Hà Bắc, 2015
Theo lời giải thích của ngài Tuệ Sỹ trong cuốn sách mỏng “Lễ tháng bảy cho những oan hồn phiêu bạt”, Ban tu thư Phật học, Pl: 2546
trứ tác quyển Nhất thiết kinh âm nghĩa
Tuệ Sỹ, Lễ tháng bảy cho những oan hồn phiêu bạt, tr.21
sđd
sđd, tr.19
sđd, tr.21