Với cá nhân, khủng hoảng là do chuỗi nguyên nhân trong quá trình từng cá thể sống và ứng xử với cuộc sống. Với tổ chức thì đó là cả hệ thống vận hành của bộ máy có tương tác và ảnh hưởng đến con người, môi trường và cộng đồng. Vì là tác động hai chiều, nên khủng hoảng luôn có thể xảy ra vào bất cứ lúc nào. Nhiều tập đoàn truyền thông lớn “bán chạy” các bộ quy tắc ứng xử khi có khủng hoảng. Trên các trang mạng xã hội cũng truyền nhau các quy trình xử lý khủng hoảng truyền thông. Thế nhưng, cho dù các bộ quy tắc ấy có ưu việt đến đâu, thì cũng chỉ giải quyết phần ngọn - hỗ trợ dập tắt ngọn lửa đang bùng cháy. Vấn đề là, làm sao để hạn chế tối đa việc xảy ra khủng hoảng và trong nguy cơ vẫn có thể xây dựng hình ảnh đẹp cho cá nhân, tổ chức? Thực tế cho thấy, cá nhân hay tổ chức có được sự an ổn ngay từ bên trong thì mới tránh được khủng hoảng ở mức thấp nhất. Nếu có xảy ra mâu thuẫn thì cũng sẽ biết xử lý đẹp dựa trên các giá trị và uy tín sẵn có. Chìa khóa nào tạo ra bình an ngay từ bên trong? Đó là Bát Chánh đạo, một trong những thuyết thoát khổ vi diệu từ nhà Phật, gồm chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh niệm, chánh tinh tấn, chánh định. Cấu trúc của quản trị khủng hoảng có 4 phần cơ bản: một là kiểm soát hành vi và thông tin nội bộ; hai là ngăn chặn ngay khi nhìn thấy mầm mống; ba là giải quyết khi khủng hoảng đã diễn ra; cuối cùng là hành động hậu khủng hoảng. Vậy, làm thế nào để áp dụng Bát Chánh đạo và 4 phần cơ bản này một cách nhuần nhuyễn? Phần một - kiểm soát hành vi và thông tin nội bộ, là phần tạo tiền đề đầu tiên cho một nội tại vững chãi, an ổn. Phần này như cái móng của một ngôi nhà. Móng chắc thì nhà vững. Bát Chánh đạo cần được áp dụng đầy đủ trong phần này. Tuy nhiên, có thể tập trung vào 3 điểm chính. Thứ nhất là chánh nghiệp. Đó là hành động đúng, theo lẽ phải. Cá nhân thì sống không hại đến người khác, hành động có lương tâm trong địa vị của mình. Đối với tổ chức thì phải có hệ thống quản trị khoa học, minh bạch, kinh doanh sản phẩm và dịch vụ tốt cho cộng đồng và môi trường sống, biết xây dựng và giữ gìn thương hiệu công ty, bộ mặt tổ chức. Một công ty bán thực phẩm mà dùng quá nhiều hóa chất, bán hàng hết hạn sử dụng ra thị trường là không chánh nghiệp. Thứ hai là chánh mạng. Với cá nhân, đó là sống đúng đời sống của mình, bằng năng lực của mình. Với tổ chức thì làm ăn, vận hành ngay thẳng, bán đúng sản phẩm dịch vụ đã đăng ký với pháp luật, làm tròn trách nhiệm với nhân viên, với cộng đồng xã hội, không trốn thuế… Biết giữ chữ tín là điều luôn cần thiết đối với cá nhân hay tổ chức. Làm sao mà khi nhắc đến cái tên của mình, tổ chức của mình, người ta thấy có sự nể trọng, đó là đã chánh mạng. Thứ ba là chánh tinh tấn. Thường xuyên thực hành và duy trì điều đúng đắn. Với cá nhân thì chuyên làm việc tốt, trau dồi trí tuệ. Với tổ chức thì phải thường xuyên xem lại hệ thống quản trị của mình, từ quản trị con người, tài chính, vật chất, sản phẩm hay dịch vụ… Để luôn bảo đảm rằng tổ chức mình đang phục vụ tốt cho cộng đồng và sẽ mãi luôn như thế. Ngăn chặn ngay khi nhìn thấy mầm mống là phần trung gian và thường xuyên xảy ra nhất. Bất kỳ cá nhân hay tổ chức nào cũng sẽ rất nhiều lần trong đời gặp nghịch cảnh, điều bất như ý. Ai nắm được phương pháp thì sẽ giải quyết ngay tại đây để khủng hoảng không có nguy cơ xảy ra. Có 3 con đường lớn phù hợp cho giai đoạn này. Đầu tiên là chánh định. Đó chính là tập trung để nhìn thấy sự việc đúng sai một cách sáng suốt. Lúc xảy ra nghịch cảnh, tâm càng định thì càng dễ dàng nhìn thấu sự việc. Lúc này, chánh định chính là biết nhìn cho ta, cho người, tâm sáng không phiến diện để giúp phân tích sự việc một cách khách quan nhất có thể. Tiếp theo, chánh kiến sẽ hỗ trợ mạnh mẽ cho chánh định. Càng có kiến thức, hiểu biết sâu rộng, trí tuệ sáng thì càng giúp cá nhân hay tổ chức nhìn rõ vấn đề đang diễn ra, nguy cơ nào sẽ xảy đến. Cuối cùng là chánh tư duy, là suy nghĩ chín chắn để đưa ra những quyết định hợp lý, vừa tốt cho mình, tốt cho người vừa có thể giải quyết trong hòa bình điều bất như ý đang xảy ra. Tóm lại, khi đối diện với nghịch cảnh có nguy cơ thành hoạ, nếu ta biết tĩnh tâm suy nghĩ, là người có kiến thức sâu rộng, có nền tảng tốt và suy nghĩ chín chắn, có tâm từ bi nhìn cho người, cho cộng đồng, cho chính mình, thì cá nhân hay tổ chức có thể “chuyển rác thành hoa”. Thông thường, nếu giai đoạn này xử lý không tốt thì sẽ đưa đến khủng hoảng truyền thông. Khi khủng hoảng xảy ra rồi, làm thế nào đây? Đó là phải đi theo hai con đường chánh ngữ và chánh nghiệp. Lời nói đúng, hay, đẹp xuất phát từ tâm từ bi sẽ dễ dàng đi vào lòng người, dễ được người khác cảm thông. Trong mọi cuộc khủng hoảng, cảm xúc của con người là quan trọng nhất. Không có đúng sai tuyệt đối. Cũng không phải vì đúng mà nói lời trịch thượng, hoặc sai mà làm liều. Đừng trú vào ngôn ngữ thô lậu để sân hận. Nhưng nói không thì không đủ, kèm theo đó là hành động đúng đắn để sửa chữa sai lầm. Hành động đi đôi với việc làm đẹp thì khủng hoảng sẽ được xoa dịu ở mức thấp nhất, có thể biến cuộc chiến thành hòa bình. Cuối cùng, khi khủng hoảng qua đi, hãy chánh niệm! Nghĩ về những hậu quả trong quá khứ để hành động đúng trong tương lai. Biết hổ thẹn với những gì mình làm sai để tiến tới việc làm đúng về sau. Thực tập Bát Chánh đạo là tu tập thân - khẩu - ý, vốn là những nơi tạo nghiệp, tạo các cơn sóng dữ gây nên những cuộc khủng hoảng lớn nhỏ. Giữ cho thân khẩu ý theo Bát Chánh đạo, cá nhân và tổ chức không chỉ tránh những khủng hoảng, mâu thuẫn, xung đột mà trên hết là xây dựng được nền tảng vững vàng, an ổn từ bên trong. Cuối cùng, mọi sự từ tâm mà ra. Tâm của cá nhân, tâm của tổ chức, tâm của quốc gia, tâm của vũ trụ.
Thế nhưng, cội nguồn của khủng hoảng đa phần xuất phát ngay từ bên trong, và hậu quả chỉ là phần ngọn. Khi bên trong gieo hạt giống không tốt, thì lấy gì có đời sống bình yên?
Xuân Phượng