Mỗi loại ý nghĩa của chữ không, không những cái gọi là Không không triệt để, mà còn đem khái niệm Không biến thành rỗng không. Như các học giả Phân phá không thừa nhận cực vi, tâm và tâm sở thật có tự tánh, là những hiện tượng do cực vi hình thành, hay là do năm uẩn tạo thành cái gọi là Ngã, do vậy, cho là tất cả đều là pháp không thật có.
1. Không
Không là điểm cộng thông giữa các bộ phái, nhưng quan niệm của các nhà Trung quán không giống với các học phái khác. Như "Ðại Trí Ðộ Luận" quyển thứ 12 giải thích chữ không có 3 ý nghĩa:
1. Phân phá không 2. Quán không 3. Thập bát không
"Phân phá không": Thiên Thai tông gọi là Chiết pháp không. Ví dụ như chúng ta lấy sợi lông chia chẻ thành cực vi, rồi tiếp tục chia chẻ, cho đến khi nào không còn hình thể tướng trạng, biểu hiện không tướng, cái cực vi nầy được gọi là "lâng hư". Ðây là đứng trên phương diện vật chất trong không gian mà nói, còn về mặt thời gian, đem thời gian phân chiết thành từng sát na, là thời gian ngắn nhất, phân chia cho đến khi nào không còn tướng trước sau, không còn thời gian tính, liền xuất hiện không tướng. Do vậy phương pháp phân phá, là phân chiết sự tồn tại của thời gian và không gian trở thành không.
"Quán không" là từ tác dụng của quán tâm. Như quán sợi lông là màu xanh liền thành lông xanh, quán lông là màu vàng, thành lông vàng v.v... Trong Thập biến xứ quán, ở đây chỉ thuyết minh cụ thể phương pháp Quán không. Vì dùng phương pháp quán không mà biết được ngoại cảnh là cái sở quán là không, ở đây mượn nguời nữ làm ví dụ, để hình dung cụ thể về cảnh tướng không này: nếu là kẻ thù khi nhìn thấy cô ta thì sanh lòng oán hận, là người yêu thì sanh lòng luyến ái, là con cháu thì sanh lòng cung kính, là chim thú thì hoảng sợ xa bay. Do đó sự oán thù thân yêu, tốt xấu, thô tế đều do tâm năng quán không giống nhau mà biểu hiện, cảnh vốn không có thật thể cho nên gọi là quán không.
"Thập bát không", kinh Bát Nhã chú trọng ở tự tánh không. Tự tánh không là bản thể của tất cả pháp, đều là cái bất khả đắc, đương thể là không.
Ðại Trí Ðộ Luận tuy đề cập 3 loại không quán, nhưng chưa phân biệt cái triệt để và cái không triệt để của nó. Dựa vào sự giải thích của Ngài Long Thọ, 3 loại không quán này, đều có thể khiến người khác hiểu được ý nghĩa của chữ không, tuy chỗ hiểu cạn sâu của mọi người không giống nhau, nhưng nó không làm mất đi tính chất phương tiện, làm rõ nghĩa chữ không, do đó Luận Trí Ðộ đề cập đến tam không.
Nếu nghiên cứu một cách nghiêm túc về quan điểm Ðại Tiểu thừa các bộ phái, Phân phá không là phương pháp thường được các nhà luận sư A Tỳ Ðạt Ma sử dụng. Như Hữu bộ dùng quán tuệ, phân tích các sắc thành lâng hư, vượt qua cái lâng hư này là không. Nhưng Hữu Bộ không thừa nhận tất cả pháp là không, ngược lại cho các pháp có tự tánh. Bởi vì, căn cứ trên sự phân tích mà biết được các pháp, do giả hợp mà có, những cái giả có này, lấy nguyên tố làm chỗ sở y, cực vi là đơn vị nhỏ nhất. Ðối với tâm pháp cũng dùng phương pháp này, phân tích cho đến trong một niệm sát na là thời gian ngắn nhất. Phương pháp phân tích này, không thể dẫn đến kết luận, tất cả pháp là không, ngược lại dẫn đến kết luận tất cả pháp là thật có tự tánh. Như đem cực vi phân chiết cho đến tận cùng, có thuyết cho rằng có hình tướng là có thể phân chiết, có thuyết cho rằng, có hình tướng nhưng không thể phân chiết, nhưng bất luận như thế nào, các thuyết đều chứa nhận các pháp thật có tự tánh là cực vi. Như cổ nhân nói rằng, nhứt xích chi mộc, nhựt thủ kỳ bán, chung cổ bất tận. Loại phân tích pháp không này vốn được Kinh A Hàm đề cập "Tán không"; tuy ý nghĩa không triệt để, nhưng có thể lấy đó làm điểm căn cứ, do đó Ngài Long Thọ đã vận dụng nó.
Không quán, là Duy Thức tông v.v...sử dụng. Phương pháp này càng được các nhà Kinh Bộ sử dụng một cách triệt để. Các nhà Kinh Bộ cho rằng, 12 xứ là căn và cảnh chẳng thật có, do đó thành lập cảnh sở quán không thật có. Về sau các nhà Ðại Thừa Duy Thức Học sử dụng phương pháp quán không này một cách cực đoan, như cho rằng: "Quỷ, bàng sanh, nhơn, thiên, mỗi loại tùy theo nghiệp duyên của mỗi loài mà ứng hiện có sai khác, những sai khác này do sự dị biệt của tâm, nhưng khong có nghĩa chân thật". Như cá cho nước là nhà, Trời cho là lưu ly, quỷ cho là máu huyết, người cho là nước, từ ví dụ này cho ta thấy rằng nhà, thủy tinh lưu ly v.v... đều không thật có, tất cả đều do nghiệp báo không đồng của mỗi người mà hiện thành. A Tỳ Ðạt Ma Ðại Thừ a Kinh, các nhà Du già đều y nơi pháp này mà minh chứng ngoại cảnh là không thật có, thành lập trí vô phân biệt, ly ngôn thể chứng tự tánh. Ðể rõ ràng hơn về phương pháp này xin tham khảo Nhiếp Ðại Thừa Luận v.v...
Sự không giống nhau phương pháp Không quán và Phân phá không là: Phân phá không, nhơn phân chiết sự giả thật mà thành lập cái giả danh là không; Quán không, là đứng trên quan điểm nhận thức luận, để thấy rõ cảnh sở quán là không thật có. Cũng giống như thế, quán không không thể đạt đến tất cả pháp rốt ráo là không, bởi vì, quán không hạn chế ở chỗ là dùng tâm năng quán, để quán sát ngoại cảnh là bất khả đắc, bản thân của tâm năng quán, không thể dùng phương pháp quán không này, để quán sát tâm năng quán cũng là không, do đó sử dụng kết quả của quán không một cách tất nhiên, muốn đạt đến tư tưởng "Hữu tâm vô tướng". Cảnh không tâm có, cô nhiên cũng có thể cho là vì muốn thấu rõ Không nghĩa.
Như trên đã tường thuật, mỗi loại ý nghĩa của chữ không, không những cái gọi là Không không triệt để, mà còn đem khái niệm Không biến thành rỗng không. Như các học giả Phân phá không thừa nhận cực vi, tâm và tâm sở thật có tự tánh, là những hiện tượng do cực vi hình thành, hay là do năm uẩn tạo thành cái gọi là Ngã, do vậy, cho là tất cả đều là pháp không thật có. Các học giả này không chú ý tính duyên khởi của các pháp là giả có, ý cho rằng họ không thừa nhận các pháp là duyên khởi. Do vậy, một mặt họ không thể thấu triệt chữ không, càng thêm chấp trước; mặt khác, pháp duyên khởi mà không nên phá hoại cũng là không, thành ra chấp tổn giảm. Các nhà Duy thức học, đem pháp duyên khởi đặt vào tâm và tâm sở pháp - là y tha khởi tánh, không thể thấu rõ tâm vô tự tánh; đối với sáu trần - tánh duyên khởi của cảnh không có chú ý của tâm, do vậy không thể phù hợp với nghĩa trung đạo. Nghĩa của chữ không mà Bồ Tát Long Thọ phát huy là tự tánh không, không phải chỉ mỗi một bộ phận nào đó là không, cũng không phải là bất không, lại càng không thể cảnh không mà tâm có.
Ðại Trí Ðộ Luận (quyển 74) đề cập đến 3 loại không:
1. Tam muội (tâm) không, 2. Sở duyên (cảnh) không, 3. Tự tánh không.
"Tam muội không" cùng với Quán không trong tam không vừa trình bày ở trên không giống nhau. Ðây là quán không lúc tu tam muội, tâm năng quán hiện ra không tướng. Như Thập biến xứ quán, lúc quán màu xanh tất cả pháp đều xanh, quán màu vàng thì tất cả pháp đều biến thành màu vàng, xanh và vàng là cảnh quán của tâm quán. Thế thì, không là vì quán tưởng không quán mà thành không. Trong kinh nói, tất cả pháp là không, nhưng dựa vào quán tuệ của tâm năng quán mà quán là không, đối với ngoại cảnh không khởi chấp trước, lìa hý luận, do đó gọi là không, nhưng thật ra những pháp nầy không phải là không. Ðiều này giống như nói: Không là do tâm tưởng tượng mà thành, không phải thật tướng của các pháp là không. Thế thì rơi vào chấp "bất không", cũng không thừa nhận học thuyết các pháp là không.
"Sở duyên không" là tương phản với học thuyết vừa nêu trên, cảnh giới sở duyên vốn là không, tâm năng quán y cứ cảnh sở duyên này mà quán là không. Cái sở duyên là không, thì tất nhiên tâm năng quán là bất không, quan điểm này giống với quán không trong tam không vừa nêu. Chẳng qua, quán không là cảnh tùy theo tâm quán mà dời đổi, còn sở duyên không là cảnh sở duyên vốn không thật. Ngài Long Thọ bình luận: "có người nói, Tam tam muội vô tướng vô tác tâm số pháp gọi là không, không cho nên có thể quán các pháp là không. Có ngươi nói rằng: Cảnh sở duyên bên ngoài là sắc ... tất cả các pháp này là không, do ngoại cảnh là không, cho nên gọi là không tam muội. Phật nói: không lấy cái không tam muội cho là không , cũng không lấy cảnh sở duyên cho là không. Rời xa hai kiến chấp này gọi là Trung đạo, do đó gọi các pháp do nhân duyên hòa hợp mà sanh. là pháp hòa hợp, không có pháp nhất định, cho nên gọi là không".
Long Thọ minh chứng điểm này, là căn cứ kinh Bát Nhã nói: không có pháp nhất định cho nên gọi là không, có nghĩa là tất cả pháp do duyên hòa hợp mà thành, do duyên hòa hợp, tức là không có tánh nhất định, không có tánh nhất định đồng nghĩa không, chữ không này, chỉ cho không có tự tánh, tức không thuyết. Do đó rõ biết, chữ không của Trung quán là thuyết nhân qủa của pháp duyên khởi, từ duyên khởi mà biết được các pháp không có tự tán, do không có tự tánh mà biết được các pháp vốn không. Nếu thiên về Tam muội không hoặc sở duyên không, là pháp chuyên y vào nhận thức luận, không thể rời duyên khởi mà biết không, cũng không thể đạt đến kết luận tất cả pháp là không.
Tự không và tha không, là hai loại không quán không giống nhau. Thí như quán đóa hoa là không, đối với tự không mà nói, đương thể của hoa là không. Ðối tha không, trong hoa không có những yếu tố này, do đó nói là không, nhưng không có nghĩa là bản thân của hoa là không. Như trong Luận Du Già phẩm chơn thật nghĩa nói rằng: "Do bỉ cố không, bỉ thật thị vô; ư thử nhi không, thỉ thật thị hữu, do thử đạo lý, khả thuyết vi không". Có nghĩa là, pháp này do vì hủy diệt pháp kia, vì không có pháp kia, cho nên gọi là không, nhưng đôi pháp này là có. Các nhà học giả Duy thức cho là không, cho dù sự lý giải xảo diệu như thế nào cũng không tránh khỏi phạm vi tha không. Tha không luận này, cũng không phải là cái độc đặc sáng tạo của các nhà Duy thức, nguồn gốc sáng tạo của nó là phát xuất từ bộ phái Tát Bà Ða. Vị luận sư nổi tiếng Thế Hữu cho rằng: Không và vô ngã không giống nhau, vô ngã là cứu cánh liễu nghĩa, không, không phải là cứu cánh liễu nghĩa. Như nói ngũ uẩn là vô ngã, là triệt để, chính là vô ngã; nếu nói ngũ uẩn là không, thì không triệt để. Do vì ngũ uẩn là vô ngã, cho nên Phật nói không nhưng đối với sắc, thọ v.v... không phải là không. Như giải kinh nói: Chư hành không, cũng nói trong các hành không có ngã và ngã sở, do đó gọi là không, không phải là không hành của các hành. Các nhà học giả Duy thức kế thừa tư tưởng này, do đó cho rằng: Do y tha khởi mà xa lìa tướng biến kế sở chấp, cho nên gọi là không; nhưng tự tướng của y tha khởi là có, không thể nói là không.
Nói xa một tí, tư tưởng tha không sớm đã xuất hiện trong Trung A Hàm kinh, như Kinh Tiểu Không trong Trung A Hàm, chuyên thảo luân về tha không. Tư tưởng này cùng với Phật Giáo tây Bắc Ấn Ðộ có sự quan hệ mật thiết. Tha không trong Tiểu Không Kinh tức là bỏ những pháp nào, bảo tồn những pháp nào, vốn là pháp thứ đệ của thiền định, gọi cái này là không nhưng không thể gọi tất cả pháp không. Bài kinh này lấy Lộc tử mẫu giảng đường làm ví dụ, như nói Lộc tử mẫu giảng đường là không, ý nói trong giảng đường này không có trâu, dê v.v... cho nên nói là không, chẳng phải giảng đường là không, cũng chẳng phải trong giảng đường không có các vị Tỳ kheo, lại không phải là nơi khác không có trâu dê, cho nên gọi là không. Ðây là không quán còn nông cạn, kinh Lăng Già gọi đó là bỉ bỉ không. Loại không quán này (Do bỉ cố không, bỉ thật thị vô; ư thử nhi không, thử thật thị hữu), có rất nhiều loại, nhưng puhơng pháp cơ bản vẫn không thay đổi. Do đó, nghĩa của chữ không theo các nhà Duy thức học, lấy tha không luận của vùng Tây Bắc Ấn làm căn bản, tuy có ảnh hưởng thuyết "nhứt thiết pháp giai không" của đại thừa, nhưng vẫn không đồng nhất.
Tư tưởng "Tự không", nguồn gốc của tư tưởng này cũng phát xuất từ A Hàm. Như Tạp A Hàm Kinh nói: thường không... ngã ngã sở không, tánh tự nhĩ cố. Ðây có nghĩa là: Ðương thể của thường, ngã, ngã sở là không; không phải là ngoài không riêng có cái gọi là thường, ngã, ngã sở là bất không. Thường, ngã, ngã sở v.v... là không, bởi vì thường, ngã, ngã sở là như vậy. Lại như Thắng Nghĩa Kinh trong Tạp A Hàm nói rằng: không có ngã và ngã sở, chỉ có sự lưu chuyển của nhơn quả nghiệp báo, nhưng không phải là trong thắng nghĩa đế có sự lưu chuyển nhơn quả nghiệp báo này, do đó nói rằng: Thế tục cho rằng, do đây có cho nên kia có, do đây sanh cho nên kia sanh, nghĩa là vô minh duyên hành... Sự tương tục của nhơn quả duyên khởi là thế tục, trong thắng nghĩa đế là vô ngã, ngã sở tức không. Cái có của thế tục, cùng cái không của thắng nghĩa là xuất hiện từ kinh này.
Tóm lại tự không là dựa vào đương thể của pháp mà hiểu rõ không, tha không là trong pháp này hủy bỏ pháp kia nhờ vậy mà rõ được không. Do đó, Trung quán cho là thế tục do giả danh mà có, thắng nghĩa rốt ráo không, các nhà tha không luận thì không chấp nhận quan điểm này. Họ căn cứ ý kiến của mình mà sửa đổi là: Tất cả pháp giai không là pháp không liễu nghĩa, quan điểm này cùng với các nhà có lập trường, tự tánh không thì không đồng nhất. Về sau các học giả không luận duy thức, bèn bỏ đi thuyết biến kế sở chấp; không nhưng không thể nói duyên khởi là do không biểu hiện, cũng không thể xác nhận các pháp là không, do đó tự không và tha không căn bản không giống nhau. Thành Duy thức luận cho là nếu chấp duy thức là thật có, đây cũng là pháp chấp, cho là duy thức cũng đề cập duyên khởi tâm tâm sở pháp đều không, ắt hẳn điều này không sao tránh khỏi sự thêm thắt.
Tôi cho rằng tất cả pháp giai không của Trung quán, chủ yếu tư tưởng này xuất phát từ nhơn quả duyên khởi, nhưng Duy thức tông thì xuất phát từ nhận thức. Những nhà Duy thức học cho rằng, dựa trên nhơn quả duyên khởi mà rõ không, tư tưởng nầy cùng với tiểu thừa đều không triệt để, đại thừa từ nhận thức mà nói như Nhiếp Ðại thừa luận: "Tự nhiên tự thể vô, tự tánh bất kiên trụ, như chấp thủ bất hữu, cố hứa vô tự tánh" Vô tự tánh không có nghĩa là tự tánh hoàn toàn không có. Như pháp vị lai, sanh ở vị lai, chắc chắn phải có nhơn duyên không thể tự nhiên mà sanh, do vậy gọi đó là vô tự nhiên tánh. Quá khứ đã diệt không thật thể đồng nghĩa trong bài tụng gọi là tự nhiên vô. Hiện tại sanh diệt không ngừng, đồng trong tụng gọi là tự tánh bất kiên trụ. Ðây đại khái là sự lưu động của tam thế nhơn quả, là thuyết vô tự tánh. Trong A Hàm kinh cũng có tư tưởng này, do đó nhiếp luận cho tư tưởng này là tiểu thừa. "Như chấp thủ bất hữu cố hứa vô tự tánh". Ðây là đại khái đối với biến kế vô tự tánh mà nói, đối với tất cả pháp chấp là tự tướng, công tướng, pháp tướng, ngã tướng v.v... đều dựa vào danh mà sanh nghĩa, y vào nghĩa mà sanh danh, hiển lộ giả danh
Không phải là có từ tự tánh, rời khỏi biến kế này không có tự tướng, là thuyết không có tự tánh của Ðại thừa, đây là điểm các nhà học giả Duy thức không đồng quan điểm với Tiểu thừa. Nhưng nghiên cứu một cách nghiêm túc, cái gọi là "chấp thủ tướng bất hữu" này, trong Kinh A Hàm cũng đã có nihều nơi đề cập "Bất khả thủ bất khả đắc". "Như chấp thủ bất hữu", các bậc Thinh văn cũng không đạt đến, Tạp A Hàm nói: Ngài Ca Chiên Diên khi vào chơn thật thiền định thắng nghĩa, đây có nghĩa là không lấy nhứt thiết tướng mà nhập thiền định. Một bản dịch khác nói rằng: "Chỉ là giả nhơn duyên hòa hợp ma có tất cả mọi thứ danh tướng, quán tất cả tướng này là không tịch, không còn thấy hữu pháp và phi pháp". Phẩm Chơn thật nghĩa đã trích dẫn ở đây mà cho là giáo chứng của ly ngôn pháp tánh, thế thì có thể nói Thinh Văn không có pháp này sao? Do đây mà biết, trên nhận thức không chấp lấy không của các tướng cũng là Tiểu thừa. Dựa vào pháp nhơn quả duyên khởi mà rõ được vô tự tánh không, cùng với tam thuyết của Nhiếp luận không giống nhau. Duyên sanh là không tự tánh, tự tánh mà bất khả đắc tức là không; bởi vì vô tự tánh không, do đó chấp có tự tánh là điên đảo hý luận, như thật chánh quán là không chấp trước các tướng. Khi vào thắng nghĩa thiền định, không chấp tất cả tướng, đương nhiên đây không phải tách rời nhân quả duyên khởi mà thành lập.
Kinh Bát Nhã nói: Nếu có một pháp nào khả đắc, chư Phật Bồ Tát có lỗi lầm, nghĩa là tạp nhiễm không phải là pháp thanh tịnh, đây là điểm mà kinh A Hàm đã đề cập đến. Dựa vào pháp duyên khởi nhân quả mà hiểu rõ tất cả pháp đều không, là vô không môn; không chấp lấy tất cả tướng, là vô tướng môn. Không môn, vô tướng môn, vô tác môn, là phương tiện không tổn hại không giống nhau, chính là nhứt ngộ, nhứt thiết ngộ, tam giải thoát môn đồng duyên một thật tướng. Trung quán lấy không môn vô khởi duyên tánh làm nền tảng, chưa từng đề cập vô tướng môn. Nhưng Duy thức lại từ quán không để rõ "Bất như sở hữu thủ", không thể từ nhơn quả mà rõ không, đây là sự bất đồng quan điểm giữa hai Tông. Vừa trình bày trên là minh chứng duyên khởi vô tự tánh, mục đích làm rõ nghĩa chữ không. Long Thọ đề cập đến điểm này rất nhiều, nhưng trên căn bản không đồng quan điểm với các học phái khác. Do đó, không nên có thái độ vọng văn sanh nghĩa, thấy từ duyên khởi, tự tánh, không bèn vội vàng cho là giống nhau.
2. Duyên khởi, tự tánh, không
Bây giờ đem thuyết duyên khởi, tự tánh, không vừa thảo luận trên, tiếp tục tổng hợp thảo luận: Duyên khởi và tự tánh là tuyệt đối tương phản, duyên khởi là vô tự tánh, tự tánh là phi duyên khởi. Chúng sanh, ngoại đạo thậm chí cho đến một số học phái khác đều cho tự tánh là căn nguyên, là khởi điểm. Ðối với điểm này Phật Ðà cùng ngoại đạo không giống nhau, Phật cho là duyên khởi, luận nhơn nói nhơn. Do đó dựa vào học thuyết của Trung quán có thể gọi trung quán là Duyên khởi tông, các học phái khác có thể gọi là Tự tánh không, cũng có nghĩa là không có sự phân biệt giữa hai tông.
Nếu lấy duyên khởi cùng không hợp lại mà nói, duyên khởi tức là không, không cũng tức là duyên khởi, hai khái niệm này, chẳng qua là hai quan điểm khác nhau của cùng một nội dung, trong kinh gọi là "Sắc tức thị không, không tức thị sắc". Duyên khởi và không là đồng nhất, vì duyên khởi là duyên khởi của vô tự tánh, duyên khởi là cái để đạt đến rốt ráo không; nếu có tự tánh, thì không những là bất không, cũng không thành duyên khởi. Ngoại đạo cho rằng, không là không có, là không trơn, nay luận duyên khởi là không, lầm tưởng cái gì cũng không có. Bởi vì họ cho rằng, duyên khởi có thể có tự tánh, duyên khởi cùng không không tương thuận. Nhưng các nhà Trung quán cho rằng, vì tất cả pháp rốt ráo không, do đó có pháp duyên khởi, không chướng ngại sanh tử lưu chuyển. Trung quán nói không, không phải là không có, chỉ là vô tự tánh mà thôi. Như ánh trăng trong lòng nước, tuy tánh của trăng vốn không, nhưng ánh trăng chúng ta có thể trông thấy. Do vậy không và duyên khởi tương thuận, nếu như rời duyên khởi mà nói không, nói duyên khởi là bất không, đây gọ là ác không. Nói đến không và tự tánh, một mặt tự tánh vốn là không. Nhưng không thể gọi không là tự tánh, không là bản tánh của tất cả pháp, là chân tướng rốt ráo của tất cả pháp, nhưng chẳng qua tự tánh bị điên đảo vọng chấp. Nhưng điểm rốt ráo của thuyết tự tánh, không là chân thật, là cứu cánh, cũng có thể gọi không là tự tánh. Như kinh Bát Nhã nói: "Tự tánh của tất cả pháp đều không thể được, tự tánh không thể được tức là tự tánh của tất cả pháp". Ðại khái thuyết cứu cánh không cũng có thể gọi là thật tướng, thật tánh, chân thật. Vì tánh của chư pháp là cứu cánh không, bây giờ trả về bản lai của nó là không, không tăng, không giảm, nhưng không phải là hư ngụy điên đảo, cho nên có thể gọi nó là chơn là thật. Tổng kết như bản đồ dưới đây:
* Tự tánh và duyên khởi
- Tương phản tương đoạt
- Tự tánh phi duyên khởi, duyên khởi phi tự tánh.* Duyên khởi và không tịch
- Tương phản tương thành
- Vì duyên khởi dẫn đến không tịch, vì không tịch cho nên duyên khởi.* Không tịch và không tánh
- Tương thuận tương phản
- Tự tánh là không tịch, không tịch là tự tánh* Tương phản tương thành
- Không có tự tánh cho nên gọi là không
- Không tức là tự tánh.
Thích Hạnh Bình
Trích dịch từ Trung Quán Kim Luận của Pháp sư Ấn Thuận.