Có quan điểm cho rằng, chết là hết và cũng có quan điểm cho rằng con người tồn tại mãi mãi từ kiếp sống này đến kiếp sống khác. Đây là kiến chấp nhị biên. Nếu chết là hết thì nhận thức con người rơi vào tà kiến cố chấp và bản thân con người sống bất chấp tất cả, mạnh ai nấy sống. Vì làm gì, ác hay thiện đều không có ý nghĩa sau khi chết. Quan điểm sai lầm này đưa con người đến những hành động tàn ác, tàn hại lẫn nhau, chiến tranh hận thụ và chết chóc triền miên. Đây gọi là thuyết đoạn diệt. Ngược lại nếu cho rằng linh hồn con người tồn tại mãi mãi đi không chấp dứt cũng là một quan điểm sai lầm. Gọi là chấp thường, hay thường kiến luận. Nếu chết là chấm dứt thì chúng ta tu để làm gì? Vì làm thiện, tu nhơn tích đức, bỏ ác làm lành, vun trồng cội phước cũng không có ý nghĩa. Và nếu cuộc sống tồn tại mãi mãi thì con người ỷ lại, chậm chạp, trì trệ. Đức Phật bác bỏ cả hai quan điểm này và giới thiệu con đường trung đạo thông qua giáo lý duyên khởi nhân quả luân hồi, nghiệp báo.
Con đường trung đạo do đức Phật khám phá tránh xa hai thái cực thường và đoạn. Con người và sự vật tất cả đều do duyên sinh. Do cái này có nên cái kia có, do cái này sinh nên cái kia sinh, do cái này diệt nên cái kia diệt. Theo đạo Phật con người sau khi chết tiếp tục đi đầu thai trong luân hồi sinh tử. Tùy theo nghiệp cảm, tức là tùy theo thiện nghiệp hay ác nghiệp mà mình đã tạo ra để đón nhận quả lành hay dữ trong đời kế tiếp. Sau khi trút bỏ hơi thở cuối cùng thân tứ đại tan rả, tâm thức thoát ra và đi đầu thai. Tâm thức ấy được gọi là “thức tái sanh”hay “tâm tái tục”, mang theo tổng thể nghiệp trong đó để thọ nhận một kết quả lành hay dữ tùy theo gieo nghiệp lành hay dữ. Nghiệp theo ta như bóng không rời hình. “Ta là kẻ thừa tự nghiệp, nghiệp là quyến thuộc là thai tạng từ đó con người tái sinh”.Như vậy, chết không phải là chấm dứt. Do đó, chúng ta cần phải tu sửa tam nghiệp của mình cho được thanh tịnh để được an lạc trong kiếp sống hiện tại và đón nhận quả báo an lạc về sau. Thành ra, học thuyết nhân quả, nghiệp báo trong nhà Phật giới thiệu để cảnh báo cho con người cẩn trọng với lời nói, hành động và suy nghĩ của mình. Tu hành tam nghiệp cho được thanh tịnh. Tu đơn giản là sửa, xấu sửa thành tốt, xấu sửa thành đẹp, ác sửa thành thiện…
Đức Phật dạy có hai cấp độ tu, đó là tu tại gia và tu xuất gia. Tu xuất gia là cát ái từ sở thân, xuất gia hoằng Phật đạo. Người xuất gia từ bỏ gia đình sống không gia đình, nguyện trọn đời tu học theo giáo lý của Phật để đạt an lạc giải thoát sinh tử luân hồi. Thêm nữa như trong văn cảnh sách ngài Quy Sơn dạy: “Bất năng an quốc trị bang, gia nghiệp đốn quyên kế tự, miến ly hương đẳng, thế phát bẩm sư, nội cần khắc niệm chi tâm, ngoại hoằng bất tránh chi đức, huýnh thoát trần thế, ký kỳ xuất gia”.Nghĩa là người tu xuất gia không tham gia vào việc lãnh đạo đất nước, không kế thừa gia nghiệp của cha mẹ để lại, xa rời quê hương, cạo bỏ râu tóc, tìm thầy học đạo, bên trong luôn chánh niệm tỉnh giác, nghiêm tầm kinh sách, bên ngoài tránh các việc dữ, xa rời cuộc đời, mông muốn xuất gia, hoằng dương Phật pháp.
Tinh thần này được thể hiện rỏ trong bài sám tụng lễ thế phát xuất gia, tức là buổi lễ cạo đầu chính thức xuất gia:
“Thiện tại đại trượng phu,
Năng liễu thế vô thường,
Khí tục thú Nê - hoàn,
Công đức nan tư nghì,
Hủy hình thủ khí tiết,
Cái ái từ sở thân,
Xuất gia hoằng Phật đạo,
Thệ độ nhất thế nhân.”
Tạm dịch:
“Lành thay bậc trượng phu,
Hiểu được đời vô thường,
Bỏ tục hướng Niết-bàn,
Công đức khó nghĩ nghì,
Cát ái từ người thân,
Xuất gia hoằng Phật đạo,
Thề độ hết chúng sinh”.
Trong kinh Tứ thập nhị chương dạy tu hành: Tu hành giả, tu cải hành vi, xã ác thủ thiện, ly tục tùng đạo giả, hành trú tọa ngoại yếu cung kính, thuyết thoại yếu hòa bình. Ý bất tham, sân, si; thân bất sát đạo dâm, khẩu bất lưỡng thiệt, bất ác khẩu, bất vọng ngữ bất ý ngữ, bất khiết huân tửu đẳng, thị vi tu hành. (Ta hành là tu sửa hành vi, bỏ ác theo thiện, lìa đời theo đạo, đi đứng ngồi nằm phải oai nghi tề chỉnh, nói năng phải từ hòa ái ngữ. Tâm ý không tham lam, sân hận và si mê; miệng không nói lời hai lưỡi, không nói lời ác, không nói sai trái với sự thật, không nói lời thêu dệt, không uống rượi và các chất gây say, đó gọi là tu hành.)
Trước hết, chúng ta thử đặt lại câu hỏi vì sao đức Phật đi tu? Trong khi Ngài là một thái tử mà mong muốn của vua cha Tịnh Phạn là sau này kế nghiệp, trì vì đất nước. Ngài sống trong cảnh cung vàng điện ngọc vợ đẹp con thơ. Nhưng trong tâm tư Ngài vẫn luôn suy tư về kiếp sống nhân sinh. Sau khi Ngài đi ra bốn cửa thành thấy bốn cảnh già, bệnh và chết, Ngài hoảng hốt hỏi Sa nặc vì sao họ lại bị như vậy? Rồi sau đó Ngài gặp một vị sa môn dáng mạo uy nghiêm thoát tục, từ đó nung nấu trong ngài chí nguyện xuất gia tìm cầu chân lý. Vua Tịnh Phạn nghiêm cấm việc xuất gia của Ngài, bằng cách cho xây dựng bốn cung điện theo bốn mùa, xuân, hạ thu, đông và cưới hỏi công chúa Gia du đà là sau đó sanh hoàng nam là La hầu la. Những tưởng như vậy là có thể trói buộc được ngài. Nhưng từng đó cũng không làm ngài say đắm vui hưởng thú dục lạc cuộc đời.
Khi vua cha Tịnh Phạn ngăn cấm thái tử xuất gia, Ngài liền đặt bốn câu hỏi cho vua cha, đó là: Làm sao cho con trẻ mãi không già? Làm sao cho con lành mạnh hoài không ốm đau? Làm sao cho con sống hoài không chết? Làm sao cho chúng sinh hết khổ? Vua Tịnh Phạn không trả lời được một trong bốn câu hỏi đó. Nên đêm mòng 8 tháng hai Ngài vượt thành xuất gia, tìm cầu chân lý giải thoát. Sau ba lần tầm thầy học đạo và sau sáu năm khổ hạnh rừng già, cuối cùng sau bốn mươi chín ngày đêm thiền định dưới cội Bồ đề đức Phật đã chứng thành đạo quả Vô thượng Bồ đề thành Phật hiệu là Thích Ca Mâu Ni. Từ đó, đức Phật khai sáng ra con đường tỉnh thức nhằm giáo hóa chúng sinh tỉnh thức cơn mộng dài sinh tử trầm luân đến b an vui giải thoát.
Nhiều người đời cho rằng, đi tu là chán đời, thất tình, tuyệt vọng. Câu chuyện Lan và Điệp và những câu chuyện được truyền trong dân gian về sự bi quan yếm thế của người tu đó là do hậu quả của việc đạo Phật suy vong dưới thời pháp thuộc. Lúc này Thiên chúa giáo chiếm ưu thế, vì sự bảo hộ của thực dân pháp. Người xuất gia chính thức trong chùa không có, toàn là những ông từ giử chùa. Một diện mạo đạo Phật lu mờ, suy yếu do đó những hình ảnh tiêu cực được gán cho Phật giáo.
Về quan điểm đi tu là bi quan, yến thế có một cô gái đến hỏi Quý Thầy:
Thầy ơi đi tu để mà chi ?
Tương chao, dưa muối có ích gì !
Tuổi trẻ đời trai sao lại chán ?
Thôi về xây mộng với em đi !
Quý thầy trả lời:
Xây mộng với em để làm chi?
Tử tử, thê thê có ích gì?
Đời khổ hoa tàn thầy chẳng thiết
Con đường Phật quốc quyết thầy đi.
Giải điều trần cấu nước dương chi
Ảo hóa trần gian có ích gì
Thinh sắc phù hoa tuồng giả tạo
Khuyên người mau tỉnh giấc mơ đi.
Đạo đời hai ngã luyến lưu chi
Thôi chớ hoài mong luyến tiếc gì
Oan trái đã thông duyên chẳng có
Đường hoa người bước, đạo thầy đi.
Thầy đây đi tu để thoát ly
Tương chao, Dưa muối, dưỡng tánh bi
Tuổi trẻ đời trai đâu gì chán
Thôi đừng níu kéo để thầy đi.
Đây là một bài thơ vui, nhưng phản ánh nội dung sâu sắc đó là nhận chân được cuộc đời là giả tạm, xuất gia tu hành là giá trị chân chính và cao quý nhất. Những câu hỏi về cật vấn người xuất gia đã có từ lâu. Trong Mâu Tử Lý Hoặc Luận của ngài Mâu Bác đề cập đến nhiều vấn nạn của người đời đối với người xuất gia. Ví dụ như câu chuyện về báo hiếu, Nho gia cho rằng “bất hiếu hữu tam, vô hậu vi đại” Trong ba điều bất hiếu, không có con cái nối dõi, thờ tự là tội bất hiếu lớn nhất! Theo Phật giáo, mục đích của hiếu hạnh là kết nối truyền sự yêu thương, hướng con người đi đến sự bình an nội tại, tìm hạnh phúc chân thật trong cuộc sống. Chủ yếu là áp dụng hạnh hiếu bằng thái độ và hành động đối với cha mẹ và những người quyến thuộc như thế nào để được lợi lạc. Việc xuất gia tu hành, cạo bỏ râu tóc, sống một đời sống không gia đình không chỉ tự hoàn thiện bản thân mà còn có khả năng báo hiếu cho cha mẹ, hướng dẫn cha mẹ sống đúng chánh pháp, đưa đến sự an lạc, hạnh phúc.
Khổng Tử nói rằng: “Thân thể, da tóc, là nhận được từ cha mẹ, không được hủy hoại, là khởi đầu của hiếu”. Câu này ý nói, thuận theo đạo hiếu bắt nguồn từ việc yêu quý và trân trọng thân thể của mình. Bởi lẽ thân thể của mình là do cha mẹ sinh ra. Nếu thân thể bị tổn hại sẽ khiến cha mẹ đau lòng. Như vậy, người tu cạo bỏ râu tóc là bất hiếu.
Với trí tuệ của đạo Phật thì kiếp người đầy đau khổ, mà nỗi khổ lớn nhất là luân hồi tái sanh. Cho nên người xuất gia tu hành chân chánh có thể hướng dẫn cha mẹ và quyền thuộc hiểu được chân lý mà tu tập để giải thoát khỏi luân hồi. Đây mới là việc lớn thì đối với chuyện “cạo tóc”chỉ là những tiểu tiết mà thôi. Cạo bỏ râu tóc ý nói dứt trừ phiền não, tâm hình khác tục để nhắc nhở chuyên tâm tu học. Khi nhát dao đầu tiên cạo thì “nguyện đoạn tất cả các điều ác”, nhát dao thứ hai “nguyện tu tất cả các việc thiện”, nhát dao thứ ba “thề nguyện độ tất cả chúng sinh”. Như vậy việc cạo tóc của các tu sĩ Phật giáo không phải là việc để khẳng định họ có hiếu hay bất hiếu. Trong tuyển tập thơ của Sư bà Thể Quán, vị Ni trưởng đáng kính của Phật giáo Huế có bài thơ cạo tóc rất dễ thương:
“ Soi gương thấy trọc đầu
Vừa cười lại vừa khóc
Tiếc gì ba sợ tóc
Thôi nín đi mà học”.
Quan điểm hiếu hạnh của Phật giáo không chỉ đề cao trên phương diện cung phụng vật chất mà cả phương diện thực nghiệm tâm linh để tu tập giải thoát “Mười phương chư Phật đều bắt nguồn từ tâm hiếu”. Không có một người nào thành Phật thành Thánh mà bất hiếu. Vì vậy hiếu là cuội nguồn của mọi hạnh lành. Con người không chỉ hoàn thiện nhân cách mà còn biết quý trọng ông bà, cha mẹ, anh chị em, hòa thuận với mọi người trong xã hội và không ngừng nỗ lực tích cực đóng góp cho đất nước, cho đời, cho đạo. Chính Mâu Tử, người tiếp thu giáo lý nhà Phật ở thế kỷ thứ 2, từng phát biểu trong tác phẩm Lý hoặc luận khi ông trả lời cho giới trí thức Nho gia về con đường chánh đạo của Phật giáo chính là đạo Hiếu: “Ở trong nhà thì hiếu thảo với cha mẹ, ra ngoài xã hội thì cứu dân độ thế, khi ngồi một mình thì tu thân”.
Có Phật tử bên Mỹ kể câu chuyện tu hành của mình rằng: Lâu không gặp ở mấy đám tiệc tùng, nhảy nhót, ca hát bạn bè hỏi thăm đi đâu mà vắng bóng lâu vậy? Phật tử ấy trả lời: “Đi chùa, bây giờ tôi tu rồi!”. Nghe trả lời như vậy bạn bè thất vọng kêu trời “Đời sống ba vạn sáu ngàn ngày có là mấy, sao đang làm ăn thành công như vậy mà lại bỏ ngang, lo tu?”. Mấy người trong bàn tiệc bắt đầu xoay qua đề tài “Tu và Đạo Phật”. Người thì bàn bây giờ còn trẻ để hưởng cho hết cuộc đời trước, khi nào già rồi hãy tu. Người thì lý luận sống là tranh đấu, tu là bi quan yếm thế. Có người tiếc rẻ cho mấy người tu, được sống ở Mỹ có nhiều thịt cá không ăn cho khoái khẩu mà ăn chay, kiếp sau sinh ra ở Ấn Độ hay Phi châu không có thịt cá để ăn, sẽ hối tiếc! Hồi trước nếu nghe người nào nói trái ý, xúc phạm đến tôn giáo của tôi là tôi nhào vô cãi lẫy, hùng biện, tranh luận, phải trái hơn thua, có khi nổi nóng tôi nói nặng làm mất bạn bè vì những chuyện không đâu. Nay nhờ đi chùa và nghiền ngẫm kinh sách tôi không phản ứng ngay, mà trầm tĩnh quan sát người ta thảo thuận. Tôi thấy người nào cũng giành phần đúng về mình, người nào không đồng ý với mình thì cho người đó dốt, không hiểu vấn đề... Thấy mấy ông bạn bàn về triết lý cao siêu của Đạo Phật tôi nghĩ đến chuyện những người mù xem voi
Không riêng gì những người không đi chùa nên không hiểu đạo, mà ngay cả người đi chùa thường xuyên cũng hiểu đạo sai lầm. Phần đông người đi chùa là ngững người lớn tuổi, nhiều người đến chùa cầm nhang lạy tứ phương rất mềm dẻo, thiện nghệ. Nhưng họ đi chùa không mong gì hơn là để “được phước kiếp này và kiếp sau”. Kiếp này được Trời Phật phù hộ cho có được đời sống an lành, con cái ăn học nên người, gia đình yên vui hạnh phúc. Kiếp sau được sinh ra ở cõi Trời, hay có làm người thì được sinh ra trong gia đình khá giả hơn...
Đạo Phật là một con đường giải thoát, giác ngộ. Phật là người đã tìm ra chân lý, tìm ra con đường đi đến sự giải thoát, an vui, tự tại (chấm dứt khổ đau). Con đường đó Phật giảng giải, chỉ vẽ dựa theo kinh nghiệm “Ngộ” mà Ngài đã chứng nghiệm được sau sáu năm khổ hạnh tu tập và 49 ngày nhập định dưới cây bồ đề. Sau thời gian tu tập này Phật là bậc giác ngộ hoàn toàn, đạt đến Niết Bàn và Phật đã bình đẳng tuyên bố “Ta là Phật đã thành, các người là Phật sẽ thành nếu các người tu theo con đường (đạo) ta chỉ dạy”.
Do đó, tu không phải chỉ lạy lục van xin mà phải hiểu giáo lý để áp dụng vào cuộc sống hiện tại sao cho an lạc. Tu là sửa. Sửa đổi cho được tốt hơn, là dừng lại, là chuyển hóa cái tri thức sai lầm về thực tại. Vì tri thức sai lầm, chúng ta phát sinh tham, sân, si rồi hành động tạo nghiệp. Có chính kiến chúng ta sẽ thay đổi thái độ với vạn vật, nhờ đó thế giới trở nên an lành, vui tươi , hạnh phúc hơn.
Khi tâm ta không còn bị tham sân si điều khiển, khi tâm ta không còn vướng mắc với những cảm thọ chấp, ngã, chúng ta sẽ đạt đến Niết bàn. Đó là một trạng thái yên bình tối thượng, thanh tịnh, tự tại, giải thoát ở kiếp này, nhờ đó nghiệp lực chấm dứt, không còn sức lôi dẫn chúng ta luân hồi trong lục đạo ở kiếp sau. Thành ra, người quyết chí tu thì xem sanh tử sự đại, tấn tóc vô thường, mọi người nên cần tinh tấn tu hành, như cứu lửa trên đầu, cần trọng chớ buông lung.
Ngày xưa, hoàng tử con triệu phú Cấp Cô Độc ban đầu được cha dụ đi nghe pháp từ đức Phật thuyết về cha sẽ cho tiền. Ham tiền, hoàng tử đến nghe Phật thuyết pháp. Ngày đầu đến cậu ta ngủ, kết thúc buổi thuyết pháp của Phật về nhà cậu nhận được tiền từ cha. Dần dần đến ngày thứ ba, khi cậu ta thử lắng nghe Phật nói gì, và cậu bắt đầu hiểu và thích, cứ như vậy sau ba Ngài hoàng tử nghe pháp mà không nhận tiền nữa, mà ngày nào cũng đến nghe Phật thuyết pháp. Có một người ăn xin ở Mỹ, hằng ngày ông ngồi xin bên vệ đường. Một hôm có một cô gái đến cho ông tiền vô tình đánh rơi chiếc nhẫn cưới vào trong loong đựng tiền của ông ăn xin mà không biết. Sau khi cô gái đi, người ăn xin thấy chiếc nhẫn giá trị nằm trong loong của mình. Nếu như người khác khởi tâm tham sẻ bán chiếc nhẫn đó để có tiền. Đằng này ông không làm thế, ông ngồi chỗ củ hằng ngày đợi cô gái đến để ông trao lại. Một tuần sau cô gái mất chiếc nhẫn đến tìm ông và ông già ăn xin trao chiếc nhẫn cưới lại cho cô gái. Cô gái mừng rở, tưởng những điều như trong mơ, không có trong đời thực. Cô về nhà kể lại cho chồng sắp cưới của mình về câu chuyện mất chiếc nhẫn đính hôn. Anh chàng vô cùng cảm kích và liền tìm đến ông già ăn mày để thực hiện một phóng sự và cho lên đài truyền hình. Câu chuyện ông già ăn xin trả lại chiếc nhẫn cho cô gái được nhiều người biết và họ liền vận động, quyên góp hơn cả trăm ngàn đô la cho người ăn xin. Thông qua đài truyền hình người chị của ông mất tích hơn mấy chục năm có cơ hội tìm lại người em trai của mình. Từ đó hai chị em gặp nhau, và số tiền ông có được từ nhiều người ủng hộ đã biến ông trở thành một người đủ ăn khá giả và lại đoàn viên gia đình. Câu chuyện cho chúng ta một bài học sâu sắc về sự vô tham. Đúng như câu nói: “tri túc tâm thường lạc, vô cầu phẩm tự cao”. Đó cũng là một kết quả của sự tu hành trong cuộc sống đời thường.
Việc tu hành trong kinh tạng Pali đức Phật dạy rất thiết thực. Ngài dạy cần phải tu tập theo các phương thức để đưa đến sự thành công hay thất bại của một người. Nếu một người mà: 1. Thường xuyên liên hệ với những kẻ xấu, ít liên hệ với những người tốt; 2. ham mê ngủ, lười biếng, không năng động, thường hay sân hận và ham thích đám đông; 3. giàu nhưng không chăm sóc cha mẹ; 4. không chân thật, lừa dối những người thiện tri thức; 5. sở hữu tài sản nhiều nhưng không chia sẻ bớt cho bất cứ ai; 6. ngã mạn tự cao về thân phận, sự giàu có và khinh khi người khác; 7. tham đắm tận hưởng những thú vui dục lạc, quan hệ lăng nhăng, lãng phí trong chi tiêu; 8. có mối quan hệ bất hợp pháp với vợ của người khác; 9. là luôn luôn ghen tị với vợ; 10. ăn uống vô độ và lãng phí; 11. lòng tham vô đáy. Bất cứ ai sống có liên hệ đến 11 vấn đề trên sẽ dẫn đến một kết cục tối tăm và thất bại. Mười một yếu tố trên thường xảy ra trong đời sống hằng ngày. Có thể có gia đình thường xuyên liên hệ đến một hoặc vài vấn đề nêu trên hoặc liên hệ đến trọn vẹn tất cả các vấn đề ấy thì điều dẫn đến bại vong.
Trái lại, trong Mahāmangalasutta đưa ra mười một lý do thành công hay mười một phước lành trong một gia đình nếu một người sống mà 1. không liên hệ với người xấu, thường xuyên thân cận gần gũi người hiền, bạn tốt; 2. sinh sống trong một nơi thích hợp và luôn biết kiểm soát bản thân; 3. luôn biết học tập, rèn luyện những kỹ năng, kỹ luật tốt từ những người giỏi trao truyền; 4. biết thờ mẹ kính cha, biết săn sóc bảo vệ trẻ em và vợ; 5. biết bố thí, cúng dường, sống có đạo đức, bảo vệ người thân, và những người lương thiện; 6. từ bỏ và tránh xa tội lỗi, kiềm chế say rượu, có niềm tin bền bỉ đối với Chánh pháp; 7. tôn kính và khiêm nhường, biết ơn và nhớ ơn; 8. kiên nhẫn và nói lời dịu dàng từ ái, liên hệ với người trí, đàm đạo đúng thời; 9. biết hổ thẹn sám hối để cho thanh tịnh, nhận ra những chân lý cao quý để hướng đến Niết bàn giải thoát; 10. tâm không buồn phiền bực tức não hại, luôn bất động giữa cái xáo trộn của thế giới; 11. đạt được những phước lành cao nhất do thành tựu những điều ở trên. Đó là 11 yếu tố đưa đến thành công trong cuộc sống.
Tu không phải bắt buộc chúng ta làm cái gì cao siêu, mà thực hành những việc đơn giản. Ngày xưa khi nghe danh tiếng của Ô Sào thiền sư, Tô Đông Pha liền đến hỏi đạo. Ông nói, nghe Thiền sư nổi tiếng vậy có đạo lý gì hay ông dạy cho tôi nghe. Ô Sào thiền sư trả lời, tôi có một đạo lý này, đó là: “Không làm các việc ác, siêng làm các việc lành, giữ tâm ý trong sạch, đó là lời Phật dạy.”Tô Đông Pha có vẻ xem thường lời dạy này nên nói, tôi tưởng ngài có pháp gì cao siêu dạy cho tôi chứ mấy thứ này đứa con nít cũng biết. Ô Sào thiền sư điềm tỉnh trả lời, đúng vậy, đạo lý này đứa con nít biết nhưng ông già tám mươi chưa chắc đã làm được. Nghe vậy, Tô Đông Pha hết kêu ngạo xem thường và kính nể Ô Sào Thiền sư.
Một người biết tu sẻ cảm ứng trong tư duy hành động của họ. Tâm ý nghĩ sao thì hành động vậy và kết quả theo đó mà thành. Ví dụ như câu chuyện giữa thầy Đàm Thuận Huy với các học trò của mình. Một hôm, trời mưa to nên đã đến giờ tan học mà các học trò vẫn phải nán lại chưa thể về được, nhân đó Đàm Thận Huy ra vế đối cho các học trò.
Vế ra: Vũ vô kiềm tỏa, năng lưu khách(Mưa, dù không xích không khóa, cũng có thể giữ chân khách ở lại)
Người học trò thứ nhất đối: Sắc bất ba đào, dị nịch nhân(Sắc đẹp, dù chẳng phải sóng gió, cũng dễ làm cho người ta chìm đắm.
Đàm Thận Huy nhận xét: “Câu đối này thật hay và thật chỉnh, văn khí này có thể đậu Trạng nguyên, nhưng về sau coi chừng việc sắc dục làm hại sự nghiệp”. Quả nhiên, Nguyễn Giản Thanh làm quan đến Lễ Bộ Thượng Thư kiêm Hàn lâm viện Thị độc, Chưởng viện sự, tước Trung Phụ bá, nhưng vì say đắm cô gái đẹp ở kinh thành mà đến ô danh bại giá.
Người học trò thứ hai đối: Nguyệt hữu loan cung bất xạ nhân(Trăng có cung loan mà không bắn người)
Đàm Thận Huy đánh giá: “Câu này kém sắc sảo, không hay bằng câu kia, nhưng tỏ ra khí chất hiền hoà, sau này sẽ làm nên, cuộc sống sẽ chu toàn! Người này làm quan thanh liêm, bản chất lương thiện rất được lòng dân”.
Lại một trò nữa lên tiếng: Phân bất uy quyền dị khủng nhân(Cục cứt chẳng có uy quyền gì mà khiến người ta phải sợ)
Đàm Thận Huy cho rằng người đối câu này về sau tuy rất giàu có nhưng lại keo kiệt bủn xỉn, kết quả người học trò kia sau cũng vào bậc hào phú trong vùng, nhưng ai cũng chê là hạng thô lỗ, bỉ ổi.
Qua ba câu đối lại, người thầy biết được tương lai của các học trò của mình. Sinh tâm ý tứ, tâm nghĩ sau thì cảm ứng vậy. Cho nên tu trong tư duy, hành động và lời nói. Tu tâm là quan trọng, bởi tâm làm chủ tâm tạo tác như kinh Pháp Cú nói là hoàn toàn xác đáng.
Tu hành cần thực tập buông bỏ. Nếu không buông bỏ thì dễ sinh phiền não. Câu chuyện về Alexander cho mọi người một bài học quý giá.
Ngay từ năm 16 tuổi, Alexander đã bắt đầu theo cha rong ruổi chinh chiến và học hỏi những kỹ năng chiến trận từ cha mình, hoàng đế Philip. Năm 336 TCN, Alexander chính thức lên ngôi hoàng đế xứ Macedonia. Lên kế vị không lâu, ông bắt đầu tiến hành các cuộc chinh phạt không ngừng mở rộng lãnh thổ.
Bằng tài năng quân sự thao lược của mình, Alexander đã đạp cả Hy Lạp dưới gót chân, hướng mũi giáo chinh phạt Tiểu Á, Ba Tư, Lưỡng Hà, Ai Cập… Thậm chí, Alexander còn đi xa hơn tất cả những người tiền nhiệm của mình khi mang quân áp sát tới tận biên giới phía bắc Ấn Độ, lưu vực sông Ấn.
Chỉ trong vòng 13 năm ngắn ngủi, Alexander dựng nên một đế chế trải dài từ Âu sang Á, bao gồm tất cả các trung tâm văn minh lớn của thế giới cổ đại. Ông cũng là một mãnh tướng “bất khả chiến bại” theo đúng nghĩa đen, chưa từng thua bất kỳ trận nào trong nghiệp cầm quân.
Sau khi không thể tiến thêm về phía đông, Alexander cuối cùng cũng từ bỏ kế hoạch viễn chinh của mình và thừa nhận giới hạn của đế chế dừng lại ở bờ sông Ấn. Năm 323 TCN, trên đường trở về Babylon, Alexander mắc trọng bệnh rồi qua đời ở tuổi 33.
Ước nguyện cuối cùng: Cái chết của ông đến nay vẫn nằm trong vòng bí ẩn. Tuy nhiên, câu chuyện về phút lâm chung của vị hoàng đế vĩ đại này vẫn được người đời truyền tụng không ngớt. Chuyện kể rằng trong giây phút cảm nhận được cái chết đang bủa vây lấy mình, Alexander đã cho gọi quần thần lại và dặn: “Trước khi chết, ta có 3 điều muốn các ngươi thực hiện, nhất định không được trái ý”.
Cụ thể, ba điều đó như sau:
- Ông muốn tất cả các ngự y giỏi nhất khiêng quan tài của mình trở về.
- Ông muốn binh sĩ rải hết vàng bạc, châu báu, ngọc ngà mà mình để dành cả đời suốt dọc con đường dẫn ra nghĩa địa.
- Ông muốn người ta đặt bàn tay của mình thò ra bên ngoài nắp quan tài, để tất cả đều nhìn thấy được.
Quần thần của Alexander đều vô cùng kinh ngạc, cho rằng hoàng đế của mình đã không còn tỉnh táo. Alexander lấy sức thở một hơi dài, đoạn nhìn tất cả một lượt và nói: “Sở dĩ ta yêu cầu các ngươi làm điều đó là muốn nhắn nhủ với con người thế gian 3 điều này”:
Thứ nhất, thầy thuốc giỏi đến thế nào cũng không thể thực sự chữa khỏi bệnh cho chúng ta. Khi đối diện với cái chết, họ cũng đành bất lực. Vì vậy, hãy biết trân quý sinh mệnh của mình.
Thứ hai, tiền bạc, của cải dù nhiều đến đâu, khi chết đi cũng trở thành vô nghĩa, chỉ có thể dùng để lót đường mà thôi.
Thứ ba, khi giã từ cõi đời, thứ con người thực sự còn lại chỉ là hai bàn tay trắng. Ta đến và đi đều là như vậy, cớ sao phải ôm giữ quá nhiều?
Nói xong, Alexander thở dài một tiếng rồi từ từ nhắm mắt. Một cuộc đời oanh oanh liệt liệt với bao chiến công kết thúc như vậy đấy!
Câu chuyện trên dạy cho người đời biết thực tập buông bỏ. Ý thức được sự tu hành là cao quý. Mọi sự vật trên đời là vô thường, giả huyển. Do vậy không nên tham đắm nhiều, vì tham đắm càng nhiều thì khổ não càng nhiều hơn.
Tóm lại, người tu hành không hề có sức mạnh ngàn cân nhưng sức mạnh của người tu là sức mạnh tâm linh. Làm sao ta có thể chịu được tất cả những nghịch cảnh. Những người tu luôn có một sức mạnh thầm lặng bên trong chớ không phải biểu hiện ra bên ngoài. Nhìn vào một con người thì yếu tố đầu tiên chiếm được thiện cảm của chúng ta là nét hiền lành đức hạnh của người ấy. Người có gương mặt phúc hậu hiền lành cũng nói lên được phần nào đặc tính bên trong. Cho nên khi con người tu tập thành công sẽ có nội lực vững vàng, có sức mạnh mà nhà Phật gọi là đạo lực. Và sức mạnh này khác với sức mạnh thế gian. Người tu mạnh không phải để ăn hiếp người khác mà là để an ủi và đem lại nguồn vui cho chính mình và mọi người. Vì vậy một khi đã tu hành thành công bản thân người đó sẽ vượt qua mọi khó khăn thử thách bên ngoài và diệt trừ những nghiệp tập phiền não bên trong con người mình.
Khi học hiểu Phật pháp thì chúng ta biết nhân quả có thể chuyển được nên không nên tạo thêm những nghiệp nhân xấu mà hãy vui vẻ trả những nghiệp quả mình đã gây tạo từ nhiều đời trước. Đừng nuôi dưỡng thêm tình cảm thương ghét nữa để tránh họa khổ trong đời này và những đời sau. Chúng ta hiểu đạo rồi thì đối với người thương kẻ ghét nên mở rộng lòng ra đừng thương ghét thêm vì như thế sẽ gặp gỡ nhau nữa. Mỗi lần gặp gỡ trong sinh tử là thêm một lần thọ khổ như thế có gì vui sướng đâu. Sao chúng ta không nhớ đến nỗi khổ ấy mà cố gắng tu tập để vượt thoát. Sự nghiệp của người tu chính là trí tuệ và sự tha thứ. Dùng trí Bát nhã chiếu soi là tất cả vấn đề rụng xuống hết không riêng gì nỗi khổ. Chúng ta phát tâm tu hành mục đích là để được giải thoát cho nên chỉ có tháo gỡ chứ không vướng mắc trói buộc thêm vào. Làm sao đứng vững trên đôi chân của mình mới có thể đi suốt con đường Phật đạo để có thể ra khỏi trầm luân sinh tử. Cho nên bản thân mỗi người cần phải chuẩn bị cho mình một sức mạnh đạo lực kiên cố và vững bền.
Thích Trung Định
Bài giảng tại đạo tràng Hương Từ, Thuận An, Huế, ngày 24.05.2020